Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2010 - 2015:
Một số kinh nghiệm được rút ra

03:09, 10/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xác định rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh nói riêng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng.
 
Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã đi vào nền nếp và đạt được những kết quả tích cực. Đã tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện và khắc phục những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại của bí thư cấp ủy với nhân dân. Ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

 

Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.


Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được triển khai thực hiện đúng phương châm, phương pháp, quy định, quy trình. Trong nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 2.185 đảng viên và 1.782 tổ chức đảng; giám sát 1.078 đảng viên, 1.148 tổ chức đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 377 đảng viên, 113 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, giám sát chuyên đề 1.523 đảng viên, 644 tổ chức đảng... Qua kiểm tra, giám sát đã đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng, đảng viên để phát huy; chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục và đã thi hành kỷ luật 968 đảng viên, kỷ luật 25 tổ chức đảng có vi phạm, nhằm giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

Đạt được những kết quả trên, trước hết là do nhận thức của hầu hết cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo có sự chuyển biến tích cực, từ đó đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, sâu sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên; sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Cùng với đó là trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đa số cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát không ngừng được nâng lên và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn những hạn chế nhất định như: Nhận thức của một số cấp ủy, người đứng đầu đối với công tác kiểm tra, giám sát chưa cao. Một bộ phận cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát còn nể nang, ngại va chạm.

Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của một số tổ chức cơ sở đảng chất lượng không cao. Công tác kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra các cấp còn gặp nhiều khó khăn. Số cuộc kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm như: Phòng, chống tham nhũng lãng phí, việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án còn ít. Việc phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Chưa phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát đảng viên và công tác xây dựng Đảng; nhiều cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy huyện chưa thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định.

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát như sau:

Một là, sự nhận thức đúng đắn của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và của cả hệ thống chính trị, nhất là nhận thức của người đứng đầu về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát là yếu tố quan trọng bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát đạt chất lượng và hiệu quả.

Hai là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của cấp ủy, sự hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên là nhân tố cơ bản đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả cao. Cấp ủy phải kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo định hướng những nhiệm vụ trọng tâm cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Ba là, coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng. Cán bộ làm công tác kiểm tra phải có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao; phải chú trọng thực hiện việc "tuyển chọn", hạn chế việc tuyển dụng cán bộ làm công tác kiểm tra.

Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đảng bộ mình và của cấp ủy cấp trên, phục vụ và thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đảng bộ.

Năm là, quán triệt và triển khai thực hiện tốt phương châm: Giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên.

Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ đến, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát.

Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác kiểm tra, giám sát. Tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm như: Việc thực hiện các chính sách đối với người nghèo, các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ, nhất là ở các khu vực ven biển, đảo, miền núi; công tác phòng, chống tham nhũng; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; công tác cải cách hành chính; việc thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị… Qua đó, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Nguyễn Chín


 


.