Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

02:08, 22/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT), hạ tầng đô thị là một trong ba nhiệm vụ đột phá, tạo động lực phát triển toàn diện tỉnh Quảng Ngãi.
 

Theo ông Hà Hoàng Việt Phương-Phó Giám đốc Sở GTVT, hạ tầng giao thông hiện đại là điều kiện tiên quyết để một nền kinh tế phát triển. Những năm trước đây, HTGT của tỉnh còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, khi các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và thậm chí là đường liên xã, liên thôn được đầu tư mở rộng đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Tuy nhiên, hiện nay so với nhu cầu phát triển và định hướng đưa tỉnh Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2020 thì việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng HTGT được coi là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần thúc đẩy sự phát triển.

 

Xây dựng đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mở ra cho tỉnh trục giao thông mới.
Xây dựng đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mở ra cho tỉnh trục giao thông mới.

Bên cạnh những cú huých từ Dự án mở rộng Quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhiều tuyến tỉnh lộ được nâng cấp… thì theo ông Hà Hoàng Việt Phương, so với yêu cầu thu hút đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững thì HTGT của tỉnh vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ.

“Trong đó, nhiều tuyến đường dù đã được nhựa hóa, cứng hóa nhưng mặt đường còn quá hẹp, khả năng chịu tải thấp. Một số cầu, bến cảng có tầm chiến lược quan trọng chưa được đầu tư xây dựng là một trong những nguyên nhân làm mất cơ hội thu hút đầu tư, hạn chế tốc độ phát triển. Chính vì lẽ đó, để Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp, trong giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo cần phải tập trung đầu tư mạnh mẽ vào HTGT đường bộ, đường sắt. Trong đó, phải đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh việc xây dựng đưa tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sớm đi vào hoạt động.

Triển khai xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn; xây dựng hoàn thiện đường Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2 và cầu Cửa Đại; tập trung mở rộng tuyến Quốc lộ 24, 24B theo đúng quy mô đường Quốc lộ, đồng thời kết nối với tuyến Tỉnh lộ 623 Sơn Hà - Sơn Tây nối với tỉnh Kon Tum; đầu tư xây dựng Quốc lộ 24C đạt chuẩn cấp III để tạo trục giao thông kết nối Khu Kinh tế Dung Quất với các tỉnh Tây Nguyên và các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan. Cùng với đó là tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa, cứng hóa các tuyến đường tỉnh đạt 100%. Đối với các bến cảng cần phải sớm triển khai đầu tư xây dựng như cảng Bến Đình tại huyện đảo Lý Sơn; cảng Dung Quất 2…” – ông Phương chia sẻ.

Góp ý về nguồn lực đầu tư, ông Phương cho rằng, ngoài sử dụng ngân sách thì việc xã hội hóa là điều cần thiết để từng bước hoàn thiện HTGT dưới nhiều hình thức như BOT, BT, BTO. Bởi kết quả thực hiện được thời gian qua dưới hình thức chọn nhà đầu tư tư nhân đã tiết kiệm cho tỉnh nguồn tài chính khá lớn để đầu tư vào các lĩnh vực khác. Trong đó, cần quan tâm đặc biệt đến những tuyến đường huyết mạch để tạo ra trục giao thông thông suốt như dự án cầu Trà Khúc 3, cầu Cửa Đại hay tuyến Quốc lộ 24.

Ông Nguyễn Danh ở xã Tịnh Khê cho rằng: “Trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp đến nhắc nhiều đến việc đầu tư vào HTGT. Đó là điều người dân chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, thời gian qua dù các định hướng, quy hoạch đã có nhưng việc đầu tư dàn trải, thiếu vốn nên nhiều dự án chưa thể triển khai thi công được. Do vậy, mong muốn lớn nhất của bà con chúng tôi là trong nhiệm kỳ tới cầu Cửa Đại được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng”.

Không chỉ ở miền biển, mà người dân miền núi cũng mong mỏi định hướng phát triển HTGT cần phải thực hiện để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, cần sớm xây dựng các tuyến đường như đường tránh lũ và cứu hộ cứu nạn phía tây Quảng Ngãi; các tuyến đường liên huyện… “Bà con ở huyện Sơn Hà chúng tôi, muốn đi Minh Long hay Ba Tơ phải đi đường vòng. Nếu sớm đầu tư đường tránh lũ nối ba huyện lại với nhau thì sẽ giúp bà con chúng tôi đi lại thuận tiện hơn, vừa thúc đẩy kinh tế ba huyện vùng cao phát triển” – ông Đinh Văn Vôn, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) chia sẻ.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.