Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2015)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng và dân tộc

09:07, 01/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà lãnh đạo thể hiện sự hội tụ tài năng, đức độ và những cống hiến xuất sắc cho cách mạng nước ta trong quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cũng như thực hiện sự nghiệp đổi mới, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

TIN LIÊN QUAN

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, xuất thân trong một gia đình yêu nước ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Mới 15 tuổi đồng chí đã bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, hai lần bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian - Côn Đảo, dù bị kẻ thù dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, nhưng đồng chí vẫn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết của người cách mạng, biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cộng sản.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam (Hải Phòng) nhân dịp Tết Đinh Mão-1987.       Ảnh: Internet
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam (Hải Phòng) nhân dịp Tết Đinh Mão-1987. Ảnh: Internet

Trong suốt cuộc đời gần 70 năm hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, ở khắp mọi miền của đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng hết lòng tận tụy vì Đảng, vì dân, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đồng chí đã trực tiếp cùng đồng bào miền Nam đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Linh hoạt động ở Nam Bộ và dành hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá VI, năm 1986 trong bối cảnh trong nước và quốc tế cực kỳ phức tạp và khó khăn chồng chất; đất nước bị bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Trên thế giới, cải tổ của Liên Xô và Đông Âu đã phạm những sai lầm về chiến lược, Chủ nghĩa xã hội đứng trước nguy cơ sụp đổ, thoái trào. Trong bối cảnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Trên cơ sở đó lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, chủ động, khôn khéo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn, có lúc hiểm nghèo, tiến hành công cuộc đổi mới thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Qua đó, đã tạo dựng được lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta vạch ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào năm 1991.

Điểm nổi bật nhất trong phong cách làm việc, lãnh đạo của đồng chí là dân chủ, tỉ mỉ, sâu sắc và sáng tạo. Trước mỗi hiện tượng mới từ thực tế cuộc sống, đồng chí thường đến cơ sở, gặp cán bộ lãnh đạo và nhân dân, khơi gợi để mọi người phát biểu, đề xuất. Mỗi khi ban hành một chính sách mới, đồng chí đều xuất phát từ thực tiễn sinh động, tình hình cụ thể của đất nước. Trước mỗi vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí đều lấy thực tiễn để kết luận. Đồng thời nhắc nhở các cấp ủy đảng và cán bộ các cấp phải bám sát cuộc sống, tổng kết thực tiễn để không ngừng góp phần hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Đồng chí căn dặn cán bộ, đảng viên: Mọi vấn đề đều có thể tranh luận quyết liệt nhưng đã quyết thì phải theo đa số, rồi thực tiễn sẽ là ông thầy phán xét. Chính đường lối đổi mới của Đảng ta cũng đã hình thành, hoàn thiện, phát triển từ việc tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân các địa phương, cơ sở.

Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh tuy không thường xuyên làm việc bên cạnh Bác Hồ, nhưng đồng chí luôn tìm hiểu, tiếp thu, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã sớm nhìn ra nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tư lợi, bè phái, cục bộ... có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự ổn định, tồn vong của chế độ ta.

Chính vì vậy, những bài báo đề xuất, chỉ ra “những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L vào năm 1987 là một luồng gió mới, khơi dậy phong trào của nhân dân và báo chí, truyền thông cả nước tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, sai trái, tệ nạn xã hội... Đó là tầm nhìn xa trong chỉ đạo của đồng chí, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến nhân dân, bảo vệ lợi ích chính đáng hợp pháp và quyền làm chủ của nhân dân. Đó còn là thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta là không cho phép bất cứ cá nhân, tập thể nào vi phạm quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức của người cộng sản. Từ buổi đầu tiên tham gia cách mạng cho đến khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta có dịp ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, công lao và phẩm chất, đạo đức cách mạng của đồng chí, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.  Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, trung thực, khiêm tốn, giản dị...      
      
Tuấn Anh
 

.