Những giá trị văn hóa sâu sắc của Hiến pháp

09:04, 24/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại lớp tập huấn “Mấy vấn đề lý luận và thời sự trong đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” được Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức từ ngày 7 - 10.4, tại TP.Cần Thơ cho hơn 200 học viên đến từ 34 tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, GS.TS Đinh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng, đã có bài giảng rất sâu sắc phân tích giá trị văn hóa trong bản Hiến pháp năm 2013 (gọi tắt là Hiến pháp). Phóng viên Báo Quảng Ngãi lược ghi nội dung bài giảng này:

TIN LIÊN QUAN

“Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề quan trọng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau, đó là: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tư tưởng đó đã được vận dụng triệt để trong Hiến pháp. Điều 14 Hiến pháp chỉ ra rằng: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Khổ 2, Điều 16 lại khẳng định: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, văn hóa, xã hội”. Chính vì thế, khi Hiến pháp khẳng định: “Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”, thì nội dung được khẳng định chính là những giá trị văn hóa cao đẹp nhất: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển” (Điều 3). Những giá trị trên chính là giá trị văn hóa cốt lõi, đồng thời là mục tiêu văn hóa cao nhất mà xã hội chủ nghĩa cần đạt tới, được Hiến pháp khẳng định về chính trị và pháp lý.

Không chỉ là một lĩnh vực quan trọng, được coi trọng ngang bằng với kinh tế, chính trị và xã hội mà văn hóa còn thấm sâu vào các lĩnh vực đó. Tư tưởng này được thể hiện cô đúc trong nhiều điều của Hiến pháp. Trước hết, trong quan hệ của văn hóa với kinh tế, Điều 50 chỉ ra nội dung cốt lõi định hướng phát triển ở Việt Nam. Kinh tế phải “gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Như vậy, văn hóa trở thành một thành tố hữu cơ đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của kinh tế. Trong quan hệ văn hóa với chính trị, khổ 2, Điều 4 Hiến pháp khẳng định yêu cầu văn hóa rất cao đối với sự lãnh đạo của Đảng: “Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Hiến pháp luôn đề cập đến “quyền văn hóa” với những nội dung phong phú, toàn diện. Ở Điều 20, cùng với việc khẳng định quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về sức khỏe là sự nhấn mạnh đến pháp luật phải bảo vệ danh dự và nhân phẩm của con người. Đây là hai giá trị văn hóa sâu sắc và cao đẹp nhất mà dân tộc ta và loài người đấu tranh bảo vệ đến cùng. Điều 40, khi nói về quyền của mọi người, Hiến pháp khẳng định dứt khoát rằng: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Đây là nội dung sâu sắc, dành riêng cho văn hóa, khẳng định những quyền cơ bản về văn hóa của con người bao gồm các khâu: Sáng tạo, hưởng thụ, tiếp cận, tham gia, sử dụng các sản phẩm, công trình, cơ sở văn hóa. Thiếu nó không thể hoàn thiện những yêu cầu về đảm bảo quyền con người trong xã hội hiện đại.

Đất nước Việt Nam là một đất nước đa dân tộc. Vì vậy, khẳng định văn hóa của các dân tộc là một yêu cầu dứt khoát trong Hiến pháp. Mặt khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Với hai đặc điểm đó, Hiến pháp nhấn mạnh yêu cầu và nội dung văn hóa của các dân tộc và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Khổ 3, Điều 5 xác định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình”. Còn khổ 2, Điều 18 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam…”.

Trong Hiến pháp có ba điều (60, 61, 62) bàn trực tiếp về các lĩnh vực của văn hóa. Do tầm quan trọng của giáo dục và khoa học, công nghệ, Hiến pháp đã dành riêng Điều 61, 62 cho lĩnh cực này. Thực chất hai lĩnh vực này cũng thuộc về văn hóa với ý nghĩa rộng lớn và sâu xa của nó như quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng Điều 60 bàn về định hướng phát triển văn hóa và một số lĩnh vực quan trọng của văn hóa. Nếu tổng hợp nội dung của ba Điều 60, 61, 62, chúng ta thấy Hiến pháp đề cập những vấn đề chủ yếu nhất của văn hóa Việt Nam thời kỳ hiện đại.

Việc công bố Hiến pháp được sự đồng thuận sâu sắc của tuyệt đại đa số đồng bào cả nước. Đó là một thắng lợi lịch sử. Cùng với việc khẳng định giá trị chính trị - pháp lý của Hiếp pháp, cần phải đồng thời chỉ ra những giá trị văn hóa sâu sắc của Hiến pháp. Vì thế, trong công tác tuyên truyền, cần làm rõ hơn nữa tính thống nhất của các giá trị trong Hiến pháp. Hơn nữa, từ sự phân tích nội dung văn hóa trong Hiến pháp, không chỉ dừng lại ở yêu cầu nâng cao nhận thức mà đòi hỏi cao hơn là vận dụng những nội dung văn hóa đó trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực tiễn”.


NGUYỄN TRIỀU (lược ghi)


 


.