Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Phấn (10.4.1915 - 10.4.2015)
Bí thư Tỉnh ủy trọn đời vì Đảng, vì dân

01:04, 10/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây vừa đúng 100 năm, ngày 10.4.1915, đồng chí Võ Phấn (tức Võ Văn Nghị, Võ Lương Chánh), sinh ra tại thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước và cách mạng. Quê hương nằm ven sông Trà hiền hòa, mảnh đất "địa linh nhân kiệt" đã sinh thành nhiều nhà lãnh đạo tài năng cho đất nước và tỉnh Quảng Ngãi. Thân sinh đồng chí là cụ Võ Cừ và hai người chú ruột đều là đảng viên cộng sản thuộc chi bộ đầu tiên của xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) từ năm 1930.

TIN LIÊN QUAN

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống gia đình, đồng chí Võ Phấn đã sớm giác ngộ cách mạng. Ngay từ lúc 15 tuổi, đồng chí đã tham gia làm nhiệm vụ canh gác, liên lạc, phục vụ các cuộc họp bí mật của chi bộ Đảng ở thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà. Gia đình đồng chí trở thành địa điểm gặp gỡ, hội họp của cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử vào Ban Chấp hành Huyện ủy Sơn Tịnh lâm thời và được phân công làm bí thư chi bộ Tổng Tịnh Thượng. Trong thời gian ngắn đồng chí đã gây dựng thêm nhiều cơ sở đảng ở các xã khu Tây của huyện Sơn Tịnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm đồng chí Võ Phấn nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2013.                 Ảnh: P.LÝ
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm đồng chí Võ Phấn nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2013. Ảnh: P.LÝ


Từ năm 1938-1939, đồng chí Võ Phấn được cử làm Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh. Với trọng trách được giao, đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng trong huyện ngày càng phát triển. Các tổ chức quần chúng như Nông hội, Phụ nữ, Thanh niên, các Hội đọc sách báo, Hội tương tế, Hội Ái hữu, tổ vần đổi công... được thành lập khắp các xã trong huyện. Số lượng đảng viên và chi bộ Đảng ngày càng tăng. Đặc biệt, đồng chí đã chỉ đạo thành công việc tổ chức cuộc biểu tình chống Dự án thuế mới của thực dân Pháp vào đầu năm 1939, với hơn 5.000 người dân khu đông Sơn Tịnh tham gia.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp ra sức khủng bố, bắt bớ cán bộ, đảng viên, phong trào cách mạng trong tỉnh bị tổn thất nặng nề. Tháng 10.1939, đồng chí Võ Phấn bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi rồi đưa lên nhà lao Trà Bồng. Trong tù, đồng chí đã tham gia thành lập chi bộ Đảng trong nhà lao do đồng chí Nguyễn Công Phương làm Bí thư.

Tháng 10.1942, đồng chí Võ Phấn bị địch chuyển về căng an trí Ba Tơ. Tại đây, đồng chí đã cùng các đồng chí đảng viên khác cùng bị tù đày, thông qua những người thân lên thăm để giao nhiệm vụ, móc nối với những đảng viên, cơ sở cách mạng cũ nhằm khôi phục, phát triển phong trào cách mạng, xây dựng tổ chức đảng ở các huyện trong tỉnh. Ngày 11.3.1945, đồng chí Võ Phấn cùng 16 đồng chí khác (trong đó có cả người chú ruột Võ Nhíp, em ruột Võ Thứ, em rể là Nguyễn Cừ (Nhạn) và người em con cậu là Lê Đồng) trực tiếp tham gia khởi nghĩa, đánh chiếm đồn Ba Tơ thắng lợi, góp phần lập nên chính quyền cách mạng huyện Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ Anh hùng.

Khởi nghĩa Ba Tơ thành công, đồng chí Võ Phấn được Tỉnh ủy phân công trở về đồng bằng, chịu trách nhiệm xây dựng tổ chức đảng ở huyện Sơn Tịnh và các xã khu tây huyện Tư Nghĩa, trực tiếp làm Trưởng Ban vận động cứu quốc huyện Sơn Tịnh.

Tháng 6.1945, Huyện ủy lâm thời Sơn Tịnh được thành lập lại, do đồng chí Võ Phấn làm Bí thư, kiêm Trưởng Ban khởi nghĩa huyện Sơn Tịnh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Phấn phong trào cách mạng trong huyện dâng lên mạnh mẽ. Đến tháng 7.1945, phong trào cách mạng ở huyện Sơn Tịnh cũng như trong tỉnh diễn ra hầu như công khai. Nghe tin Nhật Hoàng đầu hàng Đồng Minh không điều kiện, một lần nữa, với sự nhạy cảm về chính trị của tập thể lãnh đạo tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi, dưới danh nghĩa của Tổng bộ Việt Minh tỉnh đã ban hành liên tiếp 2 Chỉ thị số 8 và số 9 về việc tổ chức Tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh vào chiều ngày 14.8.1945. Chỉ trong 2 ngày, từ chiều 14 đến sáng ngày 16.8.1945, tất cả các xã trong huyện Sơn Tịnh cũng như toàn tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi.

 Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí đảm đương nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Thường trực Tỉnh ủy; thành viên Hội đồng nhân dân tỉnh, Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó được điều về Khu ủy 5, làm Trưởng phòng nghiệp vụ Phân sở kho thóc của Ban Kinh tài Khu 5, phụ trách hành lang vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên và là Bí thư Đảng bộ hành lang, góp phần thắng lợi trong chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, giải phóng các tỉnh Kon Tum, Gia Lai.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi vào giai đoạn kết thúc, đồng chí được điều ra Chiến khu Việt Bắc, học tại Trường Tài chính Trung ương và tham gia tiếp quản Thủ đô. Sau đó làm Trưởng phòng Tổ chức Sở thuế Trung ương- Đảng ủy viên Đảng ủy Bộ Tài chính.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở thời kỳ gay go nhất, đồng chí Võ Phấn đã không chút đắn đo, suy tính, nhận lệnh lên đường trở về quê hương trong đợt đầu tiên năm 1959. Sau hơn 3 tháng ròng rã, ăn rừng, ngủ núi, đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ cùng 22 cán bộ đầu tiên chi viện cho quê hương về đến trụ sở Khu ủy 5 ở Trà My, Quảng Nam.
Tháng 1.1960, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Võ Phấn được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, phụ trách Ban Kinh tài. Năm 1964, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền phương. Đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, lãnh đạo quân và dân trong tỉnh liên tục nổi dậy, từng bước đánh bại âm mưu “dồn dân, lập ấp chiến lược” của địch.

Từ tháng 1.1965 đến cuối năm 1972, đồng chí được tổ chức phân công các nhiệm vụ: Phó Ban Kinh tài Khu ủy 5; Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền phương và Trưởng ban Kinh tài Tỉnh ủy Quảng Ngãi rồi lại làm Phó ban Kinh tài và Phó Ban sản xuất Khu ủy 5.

 Đến năm 1976, sau 46 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Võ Phấn được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu.

Trở về đời thường, đồng chí tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý, xây dựng đối với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy các khóa trên các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công trình thủy lợi Thạch Nham, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chăm lo sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận của tỉnh nhà. Đồng chí còn là người đảng viên, người công dân gương mẫu tiêu biểu của Đảng bộ phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi.

99 tuổi đời, hơn 75 năm tuổi Đảng, những đóng góp của đồng chí Võ Phấn đối với phong trào cách mạng của tỉnh từ năm 1930, cũng như sự trưởng thành, phát triển của Đảng bộ Quảng Ngãi sau này là vô cùng to lớn. Tấm gương người đảng viên cộng sản kiên trung, mẫu mực, suốt đời vì Đảng, vì dân của đồng chí mãi mãi được các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quảng Ngãi kính trọng, biết ơn, tự hào khắc ghi vào trang sử vàng truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi Anh hùng.

  Ghi nhận những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Phấn vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
                              

Thanh An

 


.