Đối thoại với dân

07:02, 23/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và có trách nhiệm, nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm được các cấp ủy lãnh đạo giải quyết kịp thời “có lý, có tình” thông qua đối thoại với dân, đã làm cho mối quan hệ giữa “Đảng với dân” ngày càng gắn bó mật thiết hơn.

Những chuyện đi vào lòng dân

Đầu tháng 12.2014, tuyến kênh N12-5 ở thôn Phú Châu, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) dài hơn 3km được bê tông hóa kiên cố, chính thức đưa vào sử dụng phục vụ cho vụ lúa đông xuân 2015 làm hàng trăm người dân vui sướng sau hơn chục năm mong chờ. Ông Nguyễn Đông đưa tay về phía cánh đồng hoang ngập nước, kể: “Trước đây, mương lở, nước tràn cả cánh bàu, dân bỏ ruộng không sản xuất. Giờ thì phấn khởi rồi, không còn bỏ hoang ruộng nữa”. Đây là thành quả của việc đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy xã Hành Đức với nhân dân hồi đầu năm.

Lãnh đạo UBND huyện Trà Bồng đi thực tế kiểm tra tình hình đời sống, sản xuất của người dân.  Ảnh: PV
Lãnh đạo UBND huyện Trà Bồng đi thực tế kiểm tra tình hình đời sống, sản xuất của người dân. Ảnh: PV


Còn gia đình ông Trương Quang Long ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) thì thật sự vui mừng khi được cầm trong tay giấy chứng nhận QSDĐ. “Sau 23 năm đi đòi hỏi quyền lợi chính đáng, đến tháng 3.2014 tôi mới được chính quyền trao tận tay sổ đỏ, sau khi ông Đoàn Dụng- Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (nay là giám đốc Sở GD&ĐT) làm cuộc vi hành đến với dân”, ông Long cho biết. Cũng theo ông Long, dù phải chờ đến 2 năm sau cuộc đối thoại với Bí thư Huyện ủy, nhưng ông cũng như nhiều người dân ở Bình Sơn cảm thấy vui và tin tưởng trước sự quyết liệt và đầy trách nhiệm của lãnh đạo huyện.

Với bà Lê Thị Nghề ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh (Đức Phổ) thì Tết Ất Mùi này ngập tràn niềm vui, vì được ở trong ngôi nhà mới khang trang, với diện tích 200m2. Bà Nghề là một trong những hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi đường tránh QL 1 qua thị trấn Đức Phổ. Sau khi tuyến đường này hoàn thành, gia đình bà lo nhiều hơn vui, vì mỗi mùa mưa lũ đến nước ngập bềnh bồng, bị cô lập hoàn toàn. Thế là, bà mang đơn đi gõ cửa từ xã đến huyện để rồi có một cuộc đối thoại thẳng thắn với những người có trách nhiệm của huyện. “Sau đối thoại, mặc dù lãnh đạo huyện có hứa, nhưng tôi không tin lắm, vì chuyện cán bộ hứa để xoa dịu dân tôi cũng gặp vài lần rồi. Song, lần này suy nghĩ của tôi là sai, vì lãnh đạo huyện nói đi đôi với làm, bằng việc gia đình tôi được cấp đất tái định cư”, bà Nghề tâm sự. Giờ đây,  gia đình bà Nghề không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa lũ về. Nơi ở mới lại gần trung tâm xã, trường học nữa nên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Có lẽ vì thế mà cái Tết năm nay dường như đến rất sớm với gia đình bà.

Không có việc gì gọi là nhỏ

Những câu chuyện kể trên tưởng chừng như nhỏ, nhưng đấy là những “mầm mống” của những bất ổn về trật tự xã hội nếu như cấp ủy, chính quyền không nắm bắt được để giải quyết kịp thời. Câu chuyện của người dân xã Nghĩa An bức xúc chuyện khai thác cát dẫn đến bồi lấp cửa biển; chuyện đất rừng ở xã Hành Dũng… buộc Thường trực Tỉnh ủy phải trực tiếp đối thoại, chỉ đạo giải quyết là một minh chứng.

 
Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Quảng Ngãi cho biết: Việc đối thoại với dân là hết sức cần thiết, nhất là khi thành phố mở rộng lên 23 xã, phường. Đây cũng là cách để cán bộ gần dân, hiểu dân và phục vụ nhân dân. Với người dân, không có chuyện gì gọi là nhỏ được, khi đã bức xúc, khiếu nại thì những người có trách nhiệm phải lắng nghe, nếu đúng thì giải quyết, chưa đúng thì động viên, giải thích để dân hiểu; không nên dùng quyền lực để áp đặt, mệnh lệnh dân, vì một khi như thế sẽ khiến dân càng bức xúc thêm. Với cách làm đó, nhiều cán bộ ở các phòng, ban của thành phố đã khắc phục được tình trạng xa dân, sửa đổi tác phong làm việc, chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang phục vụ nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Ngọc Căng, cho rằng: Đối thoại, tiếp xúc với dân là một cơ hội để dân hiểu Đảng, Đảng hiểu dân hơn, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “mối quan hệ giữa Đảng với dân là cơ sở chính trị, xã hội tạo nên sức mạnh của Đảng, đảm bảo cho Đảng đủ sức lãnh đạo đất nước, đưa cách mạng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Do đó, công tác tiếp xúc, đối thoại với dân phải được duy trì, tổ chức thường xuyên nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân. Không chỉ bí thư cấp ủy mà kể cả người đứng đầu các cơ quan nhà nước, các ban ngành, đoàn thể cũng phải đối thoại với nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, đồng thời nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước về ý thức phục vụ nhân dân, gần dân, giúp dân và học tập dân.

THANH THUẬN

 

.