Son sắt một tình yêu

10:01, 15/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu biết rằng trong cuộc đời ai rồi cũng trở về với đất mẹ. Thế nhưng khi hay tin đồng chí Lê Tấn Tỏa-nguyên Bí thư Tỉnh ủy về với cõi vĩnh hằng khiến cho bao người bùi ngùi thương nhớ. Ông đã để lại cho đời một tấm gương son sắt tình yêu đối với Đảng, với cách mạng và với nhân dân.

TIN LIÊN QUAN


Tôi đã nhiều lần được gặp nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Tấn Tỏa, nghe ông kể về những tháng ngày quê hương chìm trong máu lửa của chiến tranh. Tình yêu nước, lòng căm thù và khát vọng giành hòa bình, độc lập cho quê hương luôn chất chứa trong ông. Trái tim ông mách bảo đôi chân đi khắp các chiến trường, chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ với đồng bào. Ông luôn mạnh mẽ, kiên cường, bất kể sự hy sinh đến tính mạng để cùng với đồng chí, đồng đội thực hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp. Có lần, kể về câu chuyện kháng chiến, ông cười khà: “4 lần bị trúng B52 nhưng không chết”. Với ông cũng như các chiến sĩ cách mạng, chết để nhân dân được sống là vinh quang. Trường kỳ kháng chiến, từ chống Pháp đến chống Mỹ, ông đã chẳng tiếc thân mình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và chúc Tết đồng chí Lê Tấn Toả năm 2013.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và chúc Tết đồng chí Lê Tấn Toả năm 2013.


Còn nhớ, cách đây 4 năm nhân kỷ niệm ngày giải phóng Quảng Ngãi, tôi đến để nghe ông kể ký ức của ngày quê hương rợp cờ hoa. Hôm đó ông bị ốm, thế mà nói đến ngày quê hương toàn thắng đôi mắt đầy vết chân chim của ông rực sáng. Ông như quên đi nỗi mệt mỏi của bệnh tật và tuổi già. Câu chuyện thi thoảng ngắt quãng để ông nghỉ ngơi giây lát, rồi lại tiếp tục. Ngày ấy, ông là Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi. Ông nói: “Dân nô nức phấn khởi, nghìn năm có một ngày. Toàn thị xã rợp cờ đỏ sao vàng. Tôi vô ngồi ở tòa tỉnh trưởng mà cứ ngỡ như chiêm bao”. Ngày ấy, ông vui mừng đến rơi nước mắt.

Người dân ở miền đất Ấn-Trà chẳng thể nào quên hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Lê Tấn Tỏa trong cuộc mít-tinh ngay sau hôm Quảng Ngãi được giải phóng diễn ra tại sân vận động Diên Hồng. Ông dõng dạc kêu gọi đồng bào đoàn kết cùng nhau kiến thiết quê hương, góp sức để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Quê hương được giải phóng, ông vui tột cùng, nhưng lại canh cánh nỗi lo trước cảnh điêu tàn bởi chiến tranh, đời sống nhân dân đói khổ. Ông kể vào năm 1976, khi tham quan ở Liên Xô, ông cứ ao ước biết chừng nào người dân quê mình có điện để dùng, có đường bê-tông để đi… Vâng, khi là cậu thanh niên 21 tuổi, ông đã xông pha chiến trường những mong người dân quê mình được sống trong ấm no, hạnh phúc. Và, đó cũng chính là ước nguyện lớn lao của cuộc đời ông.

Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, nhưng khi tôi hỏi về thành tích, ông bảo rằng sự đóng góp của cá nhân như hạt cát trên sa mạc, như muối bỏ biển. Ông nói: “Biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống, lấy máu tô thắm và làm rạng rỡ non sông Tổ quốc Việt Nam. Nhiều đồng chí ngã xuống có được hưởng gì đâu…”. Ông căn dặn: “Lớp trẻ có bổn phận nhớ đến những đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp này… Quan trọng nhất là phải kiên định lập trường, phải xây dựng lý tưởng sống. Làm tốt nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Đặt lên trên hết chữ đức, chữ tài”.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Tấn Tỏa từng cho tôi xem cuốn hồi ký của cuộc đời ông. Nhật ký của cuộc đời ông là những sự kiện cách mạng, là những chuỗi ngày hy sinh, gian khổ của đồng chí, đồng đội, là niềm vui, nỗi buồn cùng với nhân dân. Ông đã viết: “Tôi viết lại ít dòng hồi ký để ôn lại cuộc đời mình, để tưởng nhớ lại các đồng chí cùng mình hoạt động, và cũng để lại cho con cháu mai sau biết được một phần gian khổ, khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trong huyện, trong tỉnh…”. Giờ thì ông đã vĩnh viễn ra đi, để lại niềm tiếc thương trong đồng chí, đồng đội từng vào sinh ra tử và trong lòng của quần chúng nhân dân. Tài sản lớn nhất ông để lại cho cháu con là tấm gương son sắt một tình yêu đối với Đảng, với cách mạng và với Nhân dân.
   

Bài, ảnh: Phương Lý
 


.