Lắng nghe là động lực để cải cách thủ tục hành chính

09:01, 08/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố năm 2012 lên đứng thứ 7 cả nước vào năm 2013; 14/14 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”… là những gam màu sáng trong “bức tranh” cải cách hành chính (CCHC) của Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp thuận lợi

Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quảng Ngãi đã lần đầu tiên lọt vào top 7 tỉnh đứng đầu cả nước. Đây là sự nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư về việc thực hiện và triển khai những cơ chế, chính sách cũng như năng lực và khả năng điều hành của bộ máy chính quyền, nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển. Điều này đã xác nhận rằng, công tác CCHC của tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực.

Người dân TP.Quảng Ngãi rất hài lòng với cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” hiện đại.
Người dân TP.Quảng Ngãi rất hài lòng với cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” hiện đại.


Nếu như năm 2012, trong bảng chỉ số PCI của Quảng Ngãi, điểm số của chỉ số thiết chế pháp lý của tỉnh chỉ đạt 2,92 điểm, thì đến năm 2013, con số này là 7,15 điểm; chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp năm 2012 là 3,85 điểm, năm 2013 là 5,71 điểm. Sự tăng trưởng của những chỉ số thành phần này đã góp phần rất lớn đưa Quảng Ngãi có cú nhảy vọt trên bảng tổng sắp PCI năm 2013.

Để tiếp tục nâng cao chỉ số PCI, tỉnh đã tổ chức hội nghị phân tích làm rõ nguyên nhân tăng giảm các chỉ số thành phần PCI và đưa ra giải pháp cho những năm đến. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương có chương trình hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. PCI trở thành “tấm gương” để lãnh đạo tỉnh soi vào và nhận thức rõ những vấn đề cần giải quyết để hỗ trợ DN nhiều hơn.

Bà Bùi Thị Lệ Thủy - Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: CCHC phải vì lợi ích của người dân và sự phát triển của DN. Chính phủ đã quyết tâm vào năm 2015, cả nước phải cắt giảm 25% chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, làm cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Quảng Ngãi cũng xác định, CCHC là để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của kinh tế và góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền.

Người dân hài lòng

Trong thời gian qua, công tác cải cách TTHC, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Theo thống kê của UBND tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh đã có 19/22 cơ quan thuộc tỉnh, 14/14 huyện, thành phố và 128/184 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. TP.Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn và huyện Sơn Tây đã thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” từ cấp xã đến cấp huyện trên lĩnh vực đất đai. Hiện còn một số xã ở các huyện miền núi chưa triển khai thực hiện được vì khối lượng công việc ít. Riêng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại trên địa bàn toàn tỉnh có hai đơn vị thực hiện là TP.Quảng Ngãi và huyện Sơn Hà, chủ yếu được thực hiện ở các lĩnh vực: Đất đai, hộ tịch, xây dựng nhà ở, quản lý đô thị, đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng minh nhân dân. Điều này đã giúp các cơ quan, đơn vị và địa phương phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

TP.Quảng Ngãi là địa phương đi đầu của cả tỉnh trong công tác cải cách TTHC với bộ phận “một cửa” hiện đại. Giảm số lần đi lại của nhân dân, giảm thời gian giải quyết công việc, làm việc ngày thứ bảy… là những yêu cầu cụ thể được bộ phận “một cửa” hiện đại của UBND TP.Quảng Ngãi đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, nhất là khi thành phố được mở rộng thêm 13 xã, thị trấn vào tháng 4.2014. Để thực hiện yêu cầu này, đơn vị đã chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân; đồng thời chủ động xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công việc và giảm phiền hà cho người dân trong quá trình làm các dịch vụ công.

Ông Nguyễn Hà Hải - Chánh Văn phòng UBND TP.Quảng Ngãi, chia sẻ: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, các phòng ban chuyên môn của UBND TP.Quảng Ngãi sẽ giải quyết TTHC theo đúng quy trình, bảo đảm thời gian quy định. Riêng lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường có một số hồ sơ trễ hẹn, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thẩm tra, xác minh có vướng mắc hoặc phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Với những hồ sơ trễ hẹn, lãnh đạo đơn vị phải công khai xin lỗi người dân và tùy theo mức độ vi phạm sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức. Nhờ vậy, hầu hết người dân TP.Quảng Ngãi khi đến giải quyết công việc tại bộ phận “một cửa” đều rất hài lòng.

Theo bà Bùi Thị Lệ Thủy, để công tác CCHC đạt được kết quả tích cực, thì các cơ quan, đơn vị và địa phương cần lắng nghe ý kiến từ phía người dân, để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Trong năm 2014, các cơ quan giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh buộc phải đưa bảng tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân vào niêm yết. Sau đó, Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin này. Qua thông tin người dân phản ánh, Sở Tư pháp có thể trực tiếp giải quyết công việc, tháo gỡ những chỗ khúc mắc hay giải thích rõ hơn cho nhân dân. Hiện nay, Sở Tư pháp đang kiểm tra và sẽ có văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị cũng như cấp huyện, xã đều phải có bảng niêm yết về TTHC và bảng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân. “Lắng nghe ý kiến từ dân sẽ là động lực lớn cho việc cải cách TTHC. Những gì gây rườm rà, tốn kém về mặt chi phí, thời gian thực hiện, nhưng không cần thiết cho người dân, thì các cơ quan, đơn vị và địa phương cần cắt bỏ đi” - bà Thủy nhấn mạnh.

Nguyễn Triều
 


.