Một chủ trương mang tính đột phá

03:12, 01/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Do đội ngũ cán bộ chủ chốt ở một số xã trên địa bàn tỉnh, nhất là ở miền núi còn hạn chế về trình độ, năng lực lãnh đạo, điều hành nên tình trạng yếu kém, trì trệ kéo dài, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân không được cải thiện.  Trước thực trạng trên, theo đề nghị của cấp ủy các huyện, thành phố và tham mưu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án luân chuyển, điều động cán bộ cấp huyện để tăng thêm một cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho những xã, phường, thị trấn có khó khăn về cán bộ.

Mục đích của Đề án là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy và chính quyền ở cơ sở. Rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách trong thực tế đối với cán bộ, nhất là cán bộ trẻ ở cấp huyện để góp phần xây dựng và phát triển phong trào của địa phương, qua đó tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các cấp. Phạm vi của Đề án là tăng thêm một trong các chức danh bí thư hoặc phó bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Số xã được tăng thêm một cán bộ không vượt quá 30% tổng số xã của huyện, thành phố.

Việc luân chuyển, điều động tăng thêm một cán bộ chủ chốt cho xã không làm tăng thêm biên chế của huyện và xã; bảo đảm chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và các khoản phụ cấp cho cán bộ được luân chuyển, điều động về xã. Đối tượng được luân chuyển, điều động về xã là cán bộ cấp trưởng, phó phòng và tương đương; chuyên viên có năng lực lãnh đạo, quản lý. Trường hợp cần thiết, có thể điều động cán bộ còn tuổi công tác ít nhất là 3 năm nhưng phải là những đồng chí có năng lực, có tín nhiệm, có tâm huyết để đưa xã khó khăn phát triển. Thời gian luân chuyển từ 3 năm trở lên, tối đa không quá 5 năm; trường hợp cần thiết, do nhu cầu sắp xếp, bố trí cán bộ, huyện có thể quyết định điều chuyển về huyện sớm hơn nhưng không dưới 2 năm, tính từ thời điểm thực hiện quyết định luân chuyển.

Việc luân chuyển, điều động cán bộ ở cấp huyện để tăng thêm một chức danh chủ chốt cho những xã có khó khăn là một chủ trương đúng đắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhờ đó, đáp ứng yêu cầu bức xúc của cơ sở, góp phần khắc phục tình trạng yếu kém của đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở.

Điều quan trọng là các huyện ủy, thành ủy phải quán triệt sâu sắc nội dung của Đề án. Có kế hoạch cụ thể, thích hợp lựa chọn những cán bộ đáp ứng yêu cầu, thực hiện tốt công tác tư tưởng cho cán bộ được luân chuyển, điều động. Cán bộ được luân chuyển, điều động phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở địa phương. Cấp ủy và chính quyền địa phương cần quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ an tâm công tác, trưởng thành và phát huy khả năng công tác, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của địa phương. Mặt khác, cần xác định đây là đề án có thời hạn nhất định (đến năm 2020), do đó các địa phương cần tích cực chuẩn bị xây dựng quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở các xã khó khăn, để đến khi cán bộ huyện trở về huyện công tác hoặc nghỉ hưu thì không còn tình trạng khó khăn về cán bộ nữa.

Với sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự quyết tâm, trách nhiệm cao đối với cơ sở của các huyện uỷ, thành ủy, việc triển khai thực hiện Đề án này sẽ đạt được kết quả tốt trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian đến.

VÕ NGỌC THẠCH
 


.