Tuổi càng cao học Bác càng nhiều

09:11, 13/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời chiến tham gia chiến đấu chống Mỹ bảo vệ quê hương, khi hòa bình lại hăng hái thực hiện các phong trào thi đua, đóng góp công sức xây dựng đất nước, quan tâm giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó. Ở ông, dù thời chiến hay thời bình vẫn luôn tích cực rèn luyện, học tập và làm theo gương Bác, đặc biệt là tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Ông là cựu chiến binh Lưu Xuân Phong (ở tổ dân phố 4, phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi).

TIN LIÊN QUAN

Cuộc sống của cụ không may mắn vì không có con cái, lại phải chăm sóc người vợ thường xuyên đau ốm nhưng bất cứ khoản thu nào, nhất là đi vận động của các hội đoàn thể là cụ  ủng hộ gấp đôi vì cụ nói mình là đảng viên, phải tiên phong trước. Cụ Phong là điển hình tuổi cao gương sáng, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, đồng chí Võ Thuận - Chủ tịch Hội CCB phường Trần Hưng Đạo, cho biết.

Sắt son với Đảng

Sinh ra và lớn lên ở làng chài Ninh Chữ (tỉnh Ninh Thuận) trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ thiếu niên ông đã tham gia hoạt động du kích tại địa phương, hơn 20 tuổi đã tham gia tổng khởi nghĩa 1945. Sau năm 1945, để tránh địch càn từ Đà Lạt xuống nên tổ chức đã đưa ông và một số đồng chí cán bộ của tỉnh Ninh Thuận ra Phú Yên. Đến tháng 1.1947 ông trực tiếp tham gia vào Trung đoàn 120 Tây Nguyên đóng tại An Khê (tỉnh Gia Lai).

Cụ Lưu Xuân Phong (giữa) nói chuyện với cán bộ phường tại nhà sinh hoạt tổ.
Cụ Lưu Xuân Phong (giữa) nói chuyện với cán bộ phường tại nhà sinh hoạt tổ.


Cụ Phong nhớ lại: Đây là giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động của tôi. Bởi vì yêu cầu của Đảng, Bác Hồ nên giai đoạn này là nắm vững phương châm kiên trì vận động cách mạng, tích cực đẩy mạnh công tác củng cố cơ sở, củng cố hành lang bàn đạp, chú ý vùng biên giới mở rộng và bảo vệ căn cứ du kích xây dựng cơ sở vùng bị chiếm, tuyên truyền giáo dục chính trị cho nhân dân, củng cố khối đoàn kết kháng chiến. Đây lại là khu vực biên giới giáp Campuchia nên tôi được phân công tham gia vào đội vũ trang tuyên truyền để xây dựng cơ sở dọc hành lang trên tuyến đường hành quân giáp Campuchia.

Cán bộ đều phải nói thông thạo tiếng địa phương, phải đóng khố như người địa phương, cùng ăn cùng ở với người địa phương mà không có sự tiếp tế của tổ chức. Gian khổ vô cùng nhưng cũng nguy hiểm vô cùng vì phải đi sâu vào vùng địch, đi xuyên qua Đông Miên - Hạ Lào để xây dựng cơ sở cách mạng. Sau 3 năm làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, nhiệm vụ của tôi cũng hoàn thành, đó là xây dựng được chính quyền cách mạng ở từng làng với mỗi một làng là một tổ du kích mật, tiểu đội du kích chiến đấu. Đến năm 1954, vào Trung đoàn Bộ binh 108 (thuộc Sư đoàn 305) tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ cho đến khi đất nước hoàn toàn được giải phóng”.

Giọng ông bỗng chậm rãi, nghẹn ngào: Một năm sau ngày giải phóng, mới xin tổ chức cho về quê hương để tìm lại gia đình. Bởi gần 30 năm không có tin tức của cha mẹ, anh em. Đến khi về nhà không ai còn nhận ra mình nữa, mẹ tôi lúc đó cũng già rồi, tôi hỏi “Mẹ nhận ra con không, thằng Hai đây”, mẹ tôi cứ hỏi lại “Thằng Hai nào, thằng Hai chết rồi, ở trên bàn thờ kìa, còn thằng Hai nào nữa”. Mãi đến khi cha tôi đi biển về mới nhận ra, cả gia đình không ai tin tôi còn sống nên vui mừng khôn xiết. Ba ngày ngắn ngủi đoàn tụ với gia đình rồi lại trở về đơn vị mới thấy rằng cuộc chiến của chúng ta quá nhiều mất mát, hy sinh. Đến khi hòa bình, nhiều đồng đội của mình đã nằm xuống thì bản thân mình phải sống cho thật có ý nghĩa, giữ vững phẩm chất  “Bộ đội Cụ Hồ” để làm gương cho thế hệ con cháu tiếp bước.

Nặng lòng với dân

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà sinh hoạt tổ đang trong giai đoạn hoàn thiện, cụ Phong không giấu được niềm phấn khởi. Nhìn tượng Bác Hồ đặt trang trọng trên bục gỗ, cụ hài lòng lắm. Nhà sinh hoạt xây xong nhưng lại không có bàn, ghế và các thiết bị khác, cụ Phong biết được đã ủng hộ 30 triệu đồng để hoàn thiện công trình và dặn phải mua tượng Bác để ngày hội đại đoàn kết toàn dân sắp tới, người dân trong tổ “báo công” lên Bác. Cụ Phong bảo nếu có thiếu tiền thì nói cụ ủng hộ tiếp cho xong, chứ không để dang dở. “Cụ quan tâm đến mọi người lắm, hội đoàn thể nào đi vận động giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam… là cụ ủng hộ ngay, số tiền ủng hộ cũng lên đến hàng chục triệu đồng, đồng chí Chủ tịch Hội CCB phường cho biết thêm.

Chỉ trong 3 năm qua, cụ Phong đã tiết kiệm chi tiêu, ủng hộ trên 150 triệu đồng cho các hội đoàn thể và giúp đỡ hộ nghèo. Đặc biệt, tấm lòng của ông đối với gia đình và quê hương Ninh Thuận vẫn luôn sâu nặng. “Dù chọn Quảng Ngãi là nơi “dừng chân” cuối cùng nhưng với nơi mình sinh ra thì vẫn “nặng nợ” dữ lắm. Mỗi khi có người điện ra cần tôi hỗ trợ kinh phí để làm gì đó có ích cho người dân thì tôi ủng hộ ngay. Riêng đối với địa phương, dù là ở trung tâm thành phố nhưng tôi thấy hoạt động của các đoàn thể cũng gặp khó khăn vì thiếu kinh phí. Vì thế, đó nên mỗi năm tôi đều ủng hộ một số tiền để các hội hoạt động hiệu quả hơn. Tôi già rồi, cũng không có mưu cầu gì nhiều, lại không có con cái nên giúp được gì cho cộng đồng thì mình giúp”, cụ Phong tâm sự.

Thời chiến, ông là một người lính xông pha trên mọi chiến trường. Xuất ngũ trở về, ông lại hòa mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước trong thời bình. Trên trận tuyến mới, hình ảnh anh Bộ đội cụ Hồ năm xưa vẫn luôn tỏa sáng trong ông. Đến khi tuổi cao sức yếu, không còn nhiều sức khỏe để tham gia việc nước, việc làng thì ông dành những đồng tiền hưu ít ỏi để hỗ trợ, giúp đỡ những mảnh đời không may mắn. Và tuổi càng cao, cụ Phong càng học được ở Bác càng nhiều điều hay. Chính việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn của cụ Phong đã và đang tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài, ảnh: THANH THUẬN
    

 


.