Tinh thần vì nhân dân trong Di chúc của Bác

01:11, 14/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong Di chúc, Bác Hồ đã viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Vâng, Bác đã dành trọn cuộc đời cho cách mạng, cho cuộc sống nhân dân. Lúc cuối đời, Bác vẫn đau đáu nỗi niềm vì con người, vì cuộc sống của nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Bác Hồ đã từng căn dặn mọi tầng lớp nhân dân: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Chính nhờ biết xây dựng khối đoàn kết toàn dân, “lực lượng vĩ đại hơn hết” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, dân tộc Việt Nam đã đứng lên đánh đổ ách thực dân và phát xít, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng xã hội mới trên nền tảng của những tư tưởng cách mạng, dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Những thắng lợi vĩ đại đó được Bác đánh giá là “cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”.
 

Bác Hồ về thăm lại đồng bào Păc Bó – Cao Bằng, năm 1961
Bác Hồ về thăm lại đồng bào Păc Bó – Cao Bằng, năm 1961

Từ nhân dân mà ra và cùng nhân dân mà chiến thắng, đó là một trong những  bài học lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của toàn bộ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà trong bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ đọc ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình, những từ được nhắc tới thường xuyên nhất là “đồng bào ta”, “dân ta”, “nhân dân ta” và “toàn dân Việt Nam”…

Trong bản thảo Di chúc viết 45 năm trước, Bác Hồ đã dành một phần không nhỏ để căn dặn về những việc mà Đảng ta cần phải làm “đối với con người”. Trước tiên là đối với “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu”, các liệt sĩ, cha mẹ và vợ con của các thương binh-liệt sĩ. Bác cũng bày tỏ mối quan tâm thiết thực đối với tương lai của “những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong”. Bác cũng căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo..”. Bác đặc biệt quan tâm tới đời sống của nông dân, mong sau chiến tranh có thể làm sao thiết thực nhất để “đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất...”.

Ngay cả đối với những nạn nhân của chế độ cũ, Bác cũng có những lời căn dặn thích đáng để “Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Bác Hồ cũng đã không quên căn dặn rằng, Đảng ta “cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. Đó là những nỗi niềm đau đáu vì dân của vị lãnh tụ kiệt xuất, vị cha già của dân tộc!

Cả cuộc đời mình, Bác Hồ luôn tâm niệm: “Nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì…”. Do đó, Bác Hồ đã căn dặn các cán bộ cách mạng: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Đặc biệt, Người luôn nhắc nhở mỗi đảng viên: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”…

Những tư tưởng quý báu của Bác Hồ đã soi rọi con đường lắm chông gai, thử thách nhưng đầy vinh quang của cách mạng Việt Nam. Chúng ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước cũng chính là nhờ biết dựa vào  dân. Chúng ta đã bảo vệ được chế độ xã hội chủ nghĩa là do có được nhân dân từ ngày có Đảng, nói như lời trong Di chúc của Bác Hồ: “Luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng khó khăn gian khổ”… Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam sát cánh cùng nhân dân xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên cơ sở của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân là gốc. Khó khăn, thách thức còn nhiều nhưng cơ hội cũng không ít nếu chúng ta biết thực hiện đúng đắn và nhất quán tư tưởng vì nhân dân mà Bác đã từng đau đáu suốt cả cuộc đời.


ĐÌNH NGUYÊN
 


.