Chuyện kể của trái tim

05:10, 03/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 94 tuổi đời, nhưng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền (ở phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi) vẫn nhớ như in cái ngày của 45 năm về trước, ngày Bác Hồ đi xa khiến cho triệu triệu trái tim như ngừng đập. Trong trái tim của những người con đất Quảng, tình cảm đối với Bác vẫn mãi dạt dào.

Nguyện suốt đời làm theo Bác
 

Ông Phạm Thanh Biền.
Ông Phạm Thanh Biền.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thanh Biền kể, khi tiếp nhận thông tin từ bưu tín điện là Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cả Văn phòng Tỉnh ủy sửng sốt. Chẳng một ai nói năng, mỗi người ngồi lặng thinh, đau buồn. “Ngày 9.9.1969, cả tỉnh làm lễ truy điệu Bác. Ai cũng tự nhủ với lòng phải bám chiến trường, cố gắng chiến đấu hơn nữa để đánh Mỹ thắng lợi, để Bác yên lòng ở nơi xa”, ông Phạm Thanh Biền nhớ lại.

Dân tộc Cor ở Trà Bồng mang họ Hồ cũng từ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi đi xa. Nỗi đau khi Bác mất chẳng thể diễn tả thành lời. Chỉ biết rằng, đồng bào các dân tộc dành trọn trái tim cho Người. Để tỏ lòng kính trọng, nguyện đời đời học theo gương Bác, đồng bào Cor đã lấy tên gọi của Bác Hồ làm họ cho lớp lớp cháu con. Ngày làm lễ truy điệu Bác, trong lòng của đồng bào Cor bừng cháy quyết tâm: “Suốt đời theo Bác Hồ làm cách mạng”. Ông nói: “Khi nghe chủ trương đồng bào Cor xin đổi sang họ Hồ. Tôi có xin ý kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đồng chí Tổng Bí thư thống nhất, bảo đó là ý muốn của lòng dân”.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thanh Biền cho biết, ngay sau khi Bác mất, với quyết tâm suốt đời phấn đấu theo Bác Hồ, quyết đấu tranh giải phóng miền Nam, công tác Đảng ở tỉnh ta được củng cố. Kết nạp thêm rất nhiều đảng viên. Từ miền núi đến đồng bằng, đâu đâu cũng hừng hực khí thế học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Phong trào cách mạng ở tỉnh ta mạnh lên và là một trong những tỉnh giành thắng lợi đầu tiên trong chiến dịch Xuân-Hè 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngọn đuốc soi đường

Trong câu chuyện kể về trái tim của người dân đất Quảng và trong chính trái tim mình, ông Phạm Thanh Biền vẫn luôn nhắc đến niềm tin mãnh liệt vào sự tất thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông thấm thía: “Từng câu, từng chữ, từng việc không thiếu cái gì. Di chúc của Bác đầy đủ quá, sâu sắc quá. Càng học càng thấy sự vĩ đại của Người”. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam, soi sáng tư tưởng và bước chân của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để cùng với Đảng thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuổi đã cao, sức đã yếu thế mà hằng ngày ông vẫn dõi theo từng diễn biến, sự kiện của đất nước và của tỉnh. Ngày nào cũng thế, ông cẩn trọng ghi chép tình hình của địa phương vào quyển sổ có tên gọi “Những việc quan trọng”. Ông bảo, đó là tài sản ông để lại cho con cháu. Vâng, tài sản ông để lại cho con cháu có lẽ không gì sánh bằng, đó chính là ý chí, là tấm lòng trọn đời theo Đảng, theo Bác Hồ. Ông Phạm Thanh Biền phấn khởi nói: “Việc học tập và làm theo gương Bác Hồ giờ bài bản hơn thời kháng chiến chống Mỹ rất nhiều. Điều quan trọng nhất là phải gìn giữ và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng viên phải thấm nhuần, phải nghiêm túc thực hiện, phải làm gương để quần chúng noi theo”.

Ông Phạm Thanh Biền nay đã 94 tuổi đời, gần 70 tuổi Đảng, nhìn lại chặng đường đã qua, ông gần như dành trọn cuộc đời cho cách mạng. Ở cái tuổi gần đất xa trời, kể lại câu chuyện về tình yêu đất nước, tình yêu đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thanh Biền vẫn một lòng: “Mong muốn làm sao Quảng Ngãi đạt được chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và tổng kết, rút kinh nghiệm đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ  XIX, để Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Muốn làm sao Đảng đi đầu trong mọi mặt, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt Di chúc của Bác Hồ để quê hương phát triển vững mạnh”.  

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.