Chủ tịch xã giỏi làm kinh tế

02:10, 29/10/2014
.
(Baoquangngai.vn)- “Táo bạo, dám nghĩ dám làm”, “hết lòng vì dân” là những nhận xét của hầu hết bà con địa phương về anh Phạm Văn Rạch, 39 tuổi, Chủ tịch xã Ba Vinh (huyện Ba Tơ).
 
 
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”
 
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, anh Rạch luôn nung nấu làm điều gì đó có ích ngay trên quê mình, bởi cái nghèo luôn đeo bám bà con nơi đây.
 
Trở về địa phương làm việc cách đây 13 năm, anh Rạch thấy mình là người may mắn. Anh nhanh chóng xắn tay vào làm kinh tế bên cạnh công việc nhà nước, cùng mức lương ổn định.  Làm kinh tế, ban đầu anh chỉ nghĩ đơn giản đến việc nuôi gà, nuôi heo, trồng cây ăn trái trong vườn nhà kiếm thêm, vì “tiền đâu mà làm cho lớn”.
 
Ngoài công việc quản lý tại địa phương, anh Rạch là người tiên phong làm kinh tế ở địa phương.
Không chỉ làm tốt công việc của một Chủ tịch xã, anh Rạch luôn là người tiên phong làm kinh tế ở địa phương.
 
Hai năm sau, cơ duyên làm giàu đến với anh. Đó là lúc, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ triển khai mô hình trồng keo bằng phương pháp giâm hom ở xã Ba Vinh. Tuy nhiên, thời điểm này, đại đa số người dân vẫn ưu tiên cho trồng cau hạt.
 
Vốn có kiến thức chuyên môn về tài nguyên đất đai lại hiểu rõ về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, anh Rạch sớm nhận thấy trồng keo bằng phương pháp giâm hom, cây sinh trưởng tốt và mang tính bền vững cao hơn.  Thế nhưng, cái khó mà anh Rạch gặp phải chính là lay chuyển được tư tưởng của dân để họ ủng hộ và tham gia cùng. 
 
Để thay đổi được thói quen, tập quán của bà con, anh biết không thể làm trong ngày một ngày hai. Trong những lần đi vận động, anh thường nhận được những câu trả lời như: “chẳng biết làm có được gì không mà làm”, “để người ta làm trước đi, được thì tôi mới làm”, “không có tiền sao làm được”, “làm rồi tiêu thụ ở đâu”… 
 
Với sự hỗ trợ của địa phương cùng khát khao, hoài bão làm giàu cho địa phương, anh Rạch không nhụt chí. Anh tích cực tuyên truyền, vận động người dân thử nghiệm mô hình này.  Sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, anh mạnh dạn vay ngân hàng chính sách xã hội 60 triệu đồng, tiên phong mua giống, thuê đất trồng thử. 
 
Ban đầu, anh chỉ trồng được vài héc-ta, sau bán keo có lãi, anh thuê đất trồng thêm. Giờ, gia đình anh đã có 10 héc-ta keo hợp đồng với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ. Từ ngày trồng đến nay, anh đã thu lãi hơn 400 triệu đồng. 
 
“Vốn nhỏ nhưng biết cách làm… vẫn giàu”. Thấy có hiệu quả, nhiều người dân “rủ” nhau cùng làm, anh tận tình hướng dẫn. Cây keo trở thành cây trồng chính ở Ba Vinh từ nhiều năm nay, với 2.500 ha.
 
Hết lòng vì dân
 
Mùa trồng rừng, nhìn thấy cảnh bà con tấp nập mua giống ở tận Bình Định, anh Rạch nảy ra ý định đầu tư một vườn keo giống bằng phương pháp giâm hom. 
 
Để nắm chắc kỹ thuật, anh lân la nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, đầu tư hệ thống bơm tưới, quy hoạch vườn ươm một cách khoa học, tuyển thêm nhân lực làm việc.
 
Rộng 1 héc-ta, mỗi năm, vườn keo giống này cung cấp cho các địa phương trong huyện hơn 700.000 cây. 100 triệu đồng là số tiền tối thiểu mà anh Rạch thu về mỗi năm.
 
Trong mắt bà con, Chủ tịch xã là người gần gũi, hết lòng vì dân.
 
Cùng với đó, anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương và sẵn sàng cho bà con vay mượn để làm ăn. 
 
Anh Phạm Văn Tùng, 34 tuổi, một thanh niên gắn bó với ở vườn keo nhà anh Rạch từ nhiều năm nay, chia sẻ: “Tôi có việc làm ổn định tại đây. Bình quân mỗi ngày, tôi được anh Rạch trả đến 150.000 đồng tiền lương. Đây là một khoản không nhỏ đối với gia đình tôi”.
 
Ông Phạm Ngọc Răng, 74 tuổi, ngụ ở thôn Phan Vinh, xúc động: “Hoàn cảnh khó khăn, cái ăn, cái mặc còn không đủ lấy gì có tiền làm kinh tế. 10.000 cây keo tôi đang trồng đều nhờ anh Chủ tịch xã hết đó. Anh cho vay không có lãi, khi nào có tiền thì tôi đem trả lại anh ấy thôi”.
 
Dạo một vòng quanh những vườn keo giống bạt ngàn màu xanh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn cảm phục về ý chí của anh. Anh bảo: “Một tay vợ chồng tôi gây dựng, trông nom hơn chục năm nay đấy. Mồ hôi công sức đổ vào đây không ít, khó khăn nhiều nhưng không bao giờ nghĩ tới hai chữ thất bại. Làm kinh tế mà nghĩ đến thất bại thì không bao giờ hái được “trái ngọt””.
 
Những thành quả mà Chủ tịch xã Phạm Văn Rạch gặt hái được trong việc phát triển kinh tế tại địa phương đã chứng minh được điều mà anh luôn tâm niệm và lấy làm kim chỉ nam: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
 
Tiên phong đi đầu, tạo được lòng tin ở người dân, theo anh, đó là thành quả lớn lao nhất.
 
Bài, ảnh: Th.Hậu

.