Phải không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân

10:09, 14/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, Bác Hồ “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

TIN LIÊN QUAN

Trong Di chúc để lại, một lần nữa Bác chỉ rõ: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. 45 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, để không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

 

Bác Hồ đến thăm hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7-1960.                                                      Ảnh: TL
Bác Hồ đến thăm hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7-1960. Ảnh: TL


Trước khi trở về cõi vĩnh hằng, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, cho hậu thế muôn đời, Hồ Chí Minh căn dặn nhiều điều, trong đó Bác không quên nhắc nhở trách nhiệm của Đảng phải chăm lo cho đời sống của nhân dân. “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Di huấn của Người đã được Đảng bộ, chính quyền tỉnh khắc ghi và hiện thực hóa trong từng thời kỳ, từng giai đoạn bằng những hành động và việc làm cụ thể.  Để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, từ một tỉnh thuần nông, Quảng Ngãi đã chuyển hướng đột phá vào công nghiệp. Nhờ đó, GDP của tỉnh tăng gấp 10,5 lần so với 25 năm trước đây.

Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 64%. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 112 lần so với 25 năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 14,9%. Kinh tế phát triển cũng đã mang lại cơ hội việc làm, cơ hội cống hiến cho thế hệ trẻ Quảng Ngãi. Anh Bùi Sa ở xã Bình Trị (Bình Sơn) đang công tác tại NMLD Dung Quất, chia sẻ: So với trước đây, cuộc sống người dân thay đổi nhiều. Con em Quảng Ngãi được về quê làm việc, ai cũng cảm thấy tự hào.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của tỉnh cũng nhận được sự chăm lo rất lớn từ Đảng, Nhà nước thông qua các Chương trình 30a, 135, 167... Mỗi năm, tỉnh ưu tiên đầu tư khoảng 30% tổng mức đầu tư toàn tỉnh cho 6 huyện miền núi. Từ các hợp phần hỗ trợ đời sống, hỗ trợ sản xuất, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 1989, tỷ lệ hộ nghèo ở 6 huyện miền núi chiếm gần 100% thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 38%.  

Anh Phạm Văn Hăm ở xã Ba Cung (Ba Tơ) là một trong những hộ đồng bào dân tộc Hrê đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ sự hỗ trợ, đầu tư sản xuất từ các nguồn vốn của Nhà nước, cho biết: “Nhờ Nhà nước đầu tư vốn 120 triệu, gia đình đã mở rộng thêm diện tích vườn keo, thu nhập của gia đình ngày một cao hơn, có điều kiện lo cho các con học hành. Có Đảng, có Bác Hồ, cuộc sống người dân miền núi mới có được như ngày hôm nay ”.

Thành tựu đạt được là đáng ghi nhận, song thách thức vẫn còn không ít. Tuy là tỉnh đứng thứ 4 cả nước về số thu ngân sách trong năm 2013, nhưng hiện nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh vẫn còn cao. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, sức cạnh tranh thấp. Các lĩnh vực y tế, GD&ĐT, văn hóa còn nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Vì thế, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả việc giảm nghèo nhanh và bền vững ở miền núi.

Đồng chí Đinh Thị Loan – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh ủy đã có những giải pháp và kế hoạch cụ thể, xây dựng các đề án theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tiếp tục tập trung vào các giải pháp về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nguồn nhân lực, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp để người dân thoát nghèo nhanh nhất.   

45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định, trong giai đoạn hiện nay, việc chăm lo đời sống của nhân dân không chỉ dừng lại ở ăn no, mặc ấm mà phải ăn ngon, mặc đẹp. Quảng Ngãi vẫn đang nỗ lực để chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng tăng lên cả về vật chất và tinh thần như Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thanh Thuận
 


.