"Cánh chim đầu đàn" của làng

08:09, 04/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đồng bào Cor nơi đại ngàn ví ông như “cánh chim đầu đàn”, tiên phong trong chuyện vượt khó làm giàu, nuôi dạy con cái nên người. “Thủ lĩnh tinh thần” ấy cũng là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Ông là cựu chiến binh (CCB) Hồ Chí Thành, ngụ  thôn Tre, xã Trà Thọ (Tây Trà).

TIN LIÊN QUAN


“Lật đá” trồng rừng

Từ trung tâm xã Trà Thọ, chiếc xe máy cùng chúng tôi ì ạch leo qua con đường dốc đá, để đến với thôn Tre. Thôn Tre nằm tựa mình vào núi Tà Áng. Ngọn núi bao đời nay vẫn chở che, bao bọc đồng bào nơi đây. Nơi “thâm sơn cùng cốc”, nhưng cũng không khó để tìm nhà CCB Hồ Chí Thành, bởi đồng bào nơi đây đều biết đến ông như một tấm gương để học tập, noi theo.

 

Cựu chiến binh Hồ Chí Thành bên vườn quế mang lại cuộc sống khấm khá cho gia đình ông.
Cựu chiến binh Hồ Chí Thành bên vườn quế mang lại cuộc sống khấm khá cho gia đình ông.


Sau một ngày làm việc vất vả, ông Thành tiếp chúng tôi bằng nụ cười trìu mến. Ông kể cho những vị khách từ dưới xuôi lên hiểu hơn về cuộc sống của dân trong thôn. Ông luôn trăn trở cùng bà con trong cuộc chiến chống đói nghèo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Ông Hồ Chí Thành tham gia cách mạng năm 1962, chiến đấu ở đơn vị C339 Huyện đội Trà Bồng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê hương Trà Thọ, lập gia đình và tham gia công tác tại địa phương. Đến năm 1980, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng và hiện tại đang giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trà Thọ.

Bên chén trà thơm, trời đã ngả về chiều, ông Thành dẫn chúng tôi tham quan vườn quế, keo... của mình. Kể về những năm tháng ông cùng vợ tiên phong “cõng keo”, quế lên non, lật từng viên đá, quyết tâm phủ xanh đồi núi trọc. Ông nói: “Ngày trước, bà con mình chủ yếu làm lúa rẫy, trồng chuối. Đến ngày thu hoạch, mang đi đổi cho thương lái dưới xuôi lên, kiếm cái ăn qua ngày.

Dần dà theo thời gian, đất đai bạc màu, nên thường xuyên mất mùa, cuộc sống của bà con nhiều phen túng bấn. Trong quá trình tìm hiểu, khi được đi tham quan thực tế, đồng thời học tập mô hình trồng keo, quế, nuôi trâu bò ở các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, tôi cùng một số bà con, bàn nhau đưa mô hình này về làm thử nghiệm. Nhờ tận dụng được những lợi thế sẵn có từ việc trồng rừng, chăn nuôi nên đời sống bà con giờ cũng đỡ vất vả hơn trước, có của ăn của để”.

Làm kinh tế giỏi, đồng thời nhiều năm làm công tác dân vận, bằng uy tín của mình, ông Thành khuyên bà con trong thôn “tránh xa cái xấu, làm nhiều việc tốt”. Ông tham gia giải quyết nhiều chuyện “khó” của làng, của xã. Ông là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Những việc làm của ông giúp Đảng, chính quyền gần với đồng bào hơn.

Gia đình hiếu học

Sau ngày giải phóng, ông Thành về quê, gầy dựng cuộc sống mới. Thế nhưng, những di chứng của chiến tranh bởi chất độc da cam vẫn còn bám lấy vợ chồng ông. Khó khăn chồng chất khi 3 đứa con ông lần lượt ra đời, đều không may nhiễm chất độc dioxin, khiến gia đình vốn đã khó khăn, càng lâm vào kiệt quệ.

Ông Thành hồi tưởng: “Ngày đó, cuộc sống của mình và bà con nơi đây khó khăn đủ đường. Nhìn các con sinh ra không được lành lặn như người ta, đắng cay làm sao nói hết. Vậy nhưng mình vẫn có niềm tin vào ngày mai. Hai vợ chồng mình vẫn còn khỏe, để các con đói cơm lạt muối, bụng mình không chịu được”.

Đất không phụ người, sau nhiều năm nỗ lực làm kinh tế, giờ ông Thành là một trong những hộ khá giả nhất của thôn. Ông sở hữu vườn quế, keo lai hơn 4ha cùng nhiều vật nuôi như bò, heo...

Làm kinh tế giỏi, nhưng có lẽ điều mà nhiều người nể phục ông nhất chính là tinh thần hiếu học của các con ông. Trong số bảy người con, thì bốn người con của ông sinh sau này đều học đại học, cao đẳng... Ra trường, có việc làm ổn định. “Trước kia, trường lớp ở đây rất tạm bợ, điều kiện học tập không đảm bảo. Mình lần lượt dẫn các con cơm đùm gạo bọc vượt núi cả ngày đường, sang tận Trường Tiểu học Trà Sơn (Trà Bồng) tá túc ở nhà người quen, học cái chữ. Nhiều hôm đến được trường, thì thân thể của cha và con đều túa máu vì vắt rừng bám vào da thịt. Vất vả, nhưng thấy các con thành đạt như bây giờ, cái bụng mình lúc nào cũng thấy vui. Giờ mình vẫn hay nói với các con và mọi người, muốn thoát nghèo tất yếu phải biết cái chữ, biết cái chữ mới ấm cái bụng”,   ông Thành tự hào nói.
 

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.