Những "cây đại thụ" của núi rừng Ba Tơ

03:08, 12/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện miền núi Ba Tơ có 83% dân số là người dân tộc Hrê. Nhiều năm qua, bằng kinh nghiệm, uy tín và nhiệt huyết với đồng bào, người có uy tín trên địa bàn huyện là chỗ dựa tin cậy, cầu nối vững chắc giữa Đảng và Nhà nước với đồng bào nơi đây.

TIN LIÊN QUAN

Hạt nhân đoàn kết

Ông Phạm Văn Lân (85 tuổi) người có uy tín thôn Nước Lang, xã Ba Dinh là một người như vậy. Tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hòa bình lập lại, ông làm Bí thư xã Ba Dinh và là người có uy tín của bà con thôn Nước Lang hàng chục năm nay. Bà con nể trọng và tôn kính ông vì kinh nghiệm và sự hiểu biết tường tận về các phong tục tập quán của đồng bào mình. Ở tuổi 85, nhưng sự tinh anh và rắn rỏi vẫn hiện rõ trong từng cử chỉ, lời nói của ông.

 

Ông Phạm Văn Lân hướng dẫn cách đánh chiêng ba cho con, cháu.
Ông Phạm Văn Lân hướng dẫn cách đánh chiêng ba cho con, cháu.


Ông Phạm Văn Diêc, Bí thư xã Ba Dinh cho biết: “Ông Lân là hạt nhân tạo nên sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Ông còn tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong thôn, xã”.

Trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, ông Lân đã tích cực vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Bằng uy tín của mình, ông tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn của bà con trong thôn. Gần đây nhất là vụ mâu thuẫn của bà Phạm Thị Đu và ông Phạm Văn Ra, do bà Đu trồng keo sát ruộng lúa của ông Ra, khiến chim và chuột từ vườn keo vào phá lúa. Ông Lân đã xuống nơi xảy ra tranh chấp, khuyên bà Đu nên lùi phần đất trồng keo của mình ra 5m với ruộng lúa của ông Ra để hai bên đều có thể tiếp tục sản xuất. Nhận thấy sự khuyên can của ông Lân thấu tình đạt lý, bà Đu đã chấp nhận thực hiện, nhờ đó mà tranh chấp được giải quyết ổn thỏa. Khi nghe tin trong thôn có người bị nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, ông Lân phối hợp cùng chính quyền địa phương can ngăn kịp thời và giải quyết ổn thỏa.

Ngoài ra, ông Lân còn tích cực vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Ông cho biết: “Người Hrê bao đời nay có tiếng chiêng ba là tài sản quý giá, mình phải trân trọng, giữ gìn, không để mai một ở thế hệ sau”. Mỗi dịp liên hoan, lễ Tết, ông Lân lại mang chiêng ba đến tận tình chỉ bảo cho con cháu cách đánh chiêng sao cho trầm bổng, cho lay động lòng người. Từ đôi tay ông, tiếng chiêng đều đặn ngân vang, bay bổng giữa núi rừng hùng vĩ, như chính nét hào sảng toát ra từ ông, “cây đại thụ” của núi rừng Ba Tơ.

Uy tín từ sự gương mẫu

Từng là Viện trưởng Viện KSND huyện Ba Tơ, năm 2012, ông Phạm Ngọc Dương nghỉ hưu. Từ đó, ông được bầu là người có uy tín của thôn 5 Nước Nẻ, xã Ba Vinh. Ý thức trách nhiệm trước tình cảm của bà con, ba năm qua, ông Dương đi đầu trong mọi hoạt động của thôn, xã. Ông đã tuyên truyền người dân nên trồng keo, vì cây keo mang lại lợi ích kinh tế cao, kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản. Hiện nay, gia đình ông có 10ha keo và nuôi 18 con dê, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng. Từ tấm gương của ông, người dân trong thôn đã mạnh dạn học hỏi, đầu tư trồng keo. Ông Dương cho biết, mấy năm nay, thu nhập từ cây keo đã giúp người dân trong thôn không còn cảnh đói giáp hạt.

Ông Dương còn là thành viên tích cực của tổ hòa giải thôn 5 Nước Nẻ. Tôn trọng và tin tưởng lời nói của ông, mỗi khi gia đình bất hoà hoặc có tranh chấp với người dân xung quanh, người dân trong thôn lại tìm đến nhờ ông tư vấn. Không ngần ngại xa xôi, có hôm ông đi bộ hàng cây số trong đêm để hoà giải. Ông vừa là hòa giải viên, vừa là tuyên truyền viên giúp người dân hiểu rõ những quy định của pháp luật, nên nhiều vụ việc tranh chấp được giải quyết thấu tình đạt lý.

Năm 2013, nhiều người dân trong xã đi làm dưới đồng bằng bị các phần tử xấu mua chuộc vận động theo đạo, ông Dương liền phối hợp cùng chính quyền xã, chỉ rõ cho người dân hiểu âm mưu của các phần tử xấu. Đối với đảng viên trong thôn, ông Dương luôn nhắc nhở: “Đã là đảng viên thì không được làm thầy mo, thầy cúng. Mình phải xác định tư tưởng cho thế hệ mình trước, thì mới thay đổi được nhận thức của thế hệ sau”.

Từ những nỗ lực của ông,  bà con thôn 5 Nước Nẻ đã loại bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Ông Dương khẳng khái nói: “Muốn bà con nghe mình thì mình phải gương mẫu trước”. Vì vậy, ông và gia đình luôn chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, không vi phạm pháp luật, tích cực tham gia phát triển kinh tế và chăm lo con cái học hành. Người con trai lớn của ông đang là Bí thư Đảng ủy xã Ba Tiêu, còn người con gái đang là cán bộ.

Bằng hành động, việc làm cụ thể, những người có uy tín như ông Dương, ông Lân là tấm gương sáng, chỗ dựa tin cậy cho người dân ở huyện vùng cao Ba Tơ học tập, noi theo.

Bài, ảnh: HÀ XUYÊN

 


.