Nguyễn Chánh - Vị tướng không quân hàm
Bài 3: Danh tướng tài đức song toàn

01:08, 02/08/2014
.

Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, với cương vị Chính ủy, Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 5, trong buổi nói chuyện với lớp đào tạo cán bộ Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa đầu tiên (năm 1946), Nguyễn Chánh khẳng định: Đây không phải là cuộc chiến riêng của hai quân đội, mà là cuộc kháng chiến của toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó quân đội làm nòng cốt để chống lại quân đội xâm lược Pháp.

TIN LIÊN QUAN

Vì vậy, đây là một cuộc chiến tranh toàn dân, phải có lực lượng tập trung lớn của quân khu, đồng thời phải có bộ đội địa phương, dân quân du kích rộng lớn và toàn dân tham gia kháng chiến bằng mọi hình thức thích hợp của mình.

Theo Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương thì, thực tế đã có lúc khiến các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng ở Trung ương đã nêu ra câu hỏi: “Tại sao chủ lực vào địch hậu ở một số chiến trường khác thì bị bật ra, còn chủ lực vào địch hậu Liên khu 5 thì đánh được?”. Đồng chí Trần Lê, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhắc đến một chuyện cụ thể: Năm 1961, khi đồng chí Trần Lương lên đường vào Nam (tức Thượng tướng Trần Nam Trung vào Nam làm Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), đồng chí Lê Duẩn có căn dặn: "Hồi kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ chúng tôi chỉ nặng lo dân quân du kích, không có chủ lực mạnh, nên đến 1953-1954 khi có thời cơ thì không làm ăn được lớn như các đồng chí ở Liên khu 5. Cần nhớ lại bài học đó".
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chánh (đứng ngoài cùng bên phải) kiểm tra phương án SSCĐ ở một đơn vị bộ đội năm 1955. Ảnh chụp lại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chánh (đứng ngoài cùng bên phải) kiểm tra phương án SSCĐ ở một đơn vị bộ đội năm 1955. Ảnh chụp lại.



Đông Xuân 1953-1954, địch chủ trương phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tấn công chiến lược ở miền Nam, tập trung hơn 40 tiểu đoàn lính Âu - Phi thiện chiến của các binh đoàn cơ động số 10, 41, 42, GM100 cùng 2 tiểu đoàn dù đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, mang tên Chiến dịch Át-lăng (Atlante), chia làm 3 bước: Bước 1 từ Khánh Hòa nhanh chóng đánh chiếm Phú Yên. Bước 2 đánh chiếm Bình Định.

Bước 3 từ Bình Định đánh ra, Quảng Nam đánh vào, dưới biển đổ bộ lên và từ Kon Tum dùng cứ điểm Mang Đen làm bàn đạp đánh xuống Ba Tơ, huyện lỵ Mộ Đức cách thị xã Quảng Ngãi 20km và hợp điểm ở thị xã Quảng Ngãi; kết thúc Chiến dịch Atlante, chiếm đóng toàn bộ vùng tự do Liên khu 5.

Tháng 11-1953, Henrie Navarre, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương cho đổ 5 tiểu đoàn lính Âu - Phi thiện chiến xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Không khí chính trị ở Liên khu 5 lúc này cực kỳ căng thẳng do tâm trạng lo lắng sẽ mất vùng tự do và đối phó Chiến dịch Atlante bằng cách nào? Rất nhiều cán bộ cao cấp trong các cơ quan Đảng, chính quyền đề nghị tập trung lực lượng chủ lực của quân khu và địa phương bẻ gãy cuộc tấn công của địch ở Khánh Hòa đánh ra Phú Yên cũng như không cho địch ở Quảng Nam đánh vào Quảng Ngãi. Nguyễn Chánh kiên định phương án đã thảo luận và mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh đối phó Chiến dịch Atlante bằng cách mở chiến dịch ở Tây Nguyên. Quan điểm này của ông gặp phải sự phản kháng của không ít đồng chí, đồng đội.

Trước ngày khai cuộc Chiến dịch Tây Nguyên, Nguyễn Chánh tổ chức một cuộc nói chuyện với cán bộ trung, cao cấp chủ chốt toàn liên khu. Ông nhận định: Địch tập trung toàn bộ sức lực cho Chiến dịch Atlante ở đồng bằng, tất sẽ sơ hở ở Tây Nguyên. Lực lượng chủ lực của địch đông gấp 5-7 lần chủ lực của ta. Chúng muốn kéo hai trung đoàn chủ lực 108 và 803 của ta đến giao chiến để tiêu diệt sinh lực chủ yếu của ta. Phân tán chủ lực đối phó với các hướng tấn công của địch tức là sa vào âm mưu của chúng, không những không chặn được địch, mà còn rơi vào thế bị động và sẽ bị tiêu hao lớn lực lượng.

Khi địch đông, mạnh gấp nhiều lần ta, thì tránh đối đầu trực diện, không đánh vỗ mặt, không đánh theo kiểu chọi trâu; phải đánh sau lưng và hai bên sườn của địch mới có cơ may giành chiến thắng. Ta chủ trương đánh lớn trên Tây Nguyên là đánh vào chỗ sơ hở, đánh vào điểm yếu và hiểm yếu của địch. Giành được quyền chủ động trên Tây Nguyên là giành được thế đứng trên cao, từ đó thế và lực của ta sẽ có điều kiện phát triển rất mạnh và vững chắc. Còn Chiến dịch Atlante sẽ rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", bị động và không cứu vãn nổi.

Ngày 20-1-1954, địch khai cuộc Chiến dịch Atlante, sử dụng cùng một lúc 22 tiểu đoàn từ Khánh Hòa đánh ra với cuồng vọng chiếm tỉnh Phú Yên trong thời gian ngắn nhất. Chúng không ngờ bị bộ đội địa phương và dân quân du kích bám đánh quyết liệt liên tục suốt ngày đêm, không tiến nhanh được còn bị tiêu hao lực lượng và không gặp chủ lực ta. Và chỉ sau một tuần, ngày 28-1-1954, ta nổ súng mở màn Chiến dịch Tây Nguyên; tiêu diệt tiểu khu quân sự Mang Đen, hai cứ điểm Kon Rẫy, Mang Bút, bị đập tan và mở toang cánh cửa phía đông án ngữ thị xã Kon Tum, làm rung động cả thị xã Kon Tum và Plei-cu.

Thừa thắng, ngày 7-2-1954, ta dũng mãnh áp sát, đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn thị xã Kon Tum. Vậy là, chỉ trong vòng 10 ngày sau khi mở màn chiến dịch, toàn tỉnh Kon Tum rộng hơn 14.000km2 với 20 vạn dân được giải phóng. Trước những thắng lợi nhanh chóng của quân ta trên các chiến trường, Navarre và tướng Đờ-bô-pho (De Beaufort) chỉ huy chiến trường Tây Nguyên và là chỉ huy Chiến dịch Atlante vô cùng hốt hoảng lệnh cho GM100 dừng cuộc hành quân. Địch cho rút các tiểu đoàn lính dù tăng viện cho Điện Biên Phủ. Tiếp đó, bí mật cho rút hết lực lượng ở Diêu Trì, Quy Nhơn đưa ra biển, chấm dứt cuộc hành quân Atlante "không kèn không trống", chấp nhận một thất bại cay đắng và nhục nhã.

Cũng với Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc quân dân Liên khu 5 giải phóng một vùng rộng lớn ở Bắc Tây Nguyên, buộc Chính phủ Pháp phải hạ bút ký Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ (Geneva) vào ngày 20-7-1954. Như vậy, Liên khu 5 là chiến trường phối hợp chặt chẽ đắc lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Trần Văn Quang thì khi kết thúc chiến tranh, tướng De Beaufort ngỏ ý được gặp “Vị tướng đã làm cho tôi điêu đứng trên chiến trường”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức cuộc gặp giữa De Beaufort với Nguyễn Chánh ngay tại Hà Nội. Tại buổi gặp mặt, De Beaufort hỏi Nguyễn Chánh: “Ngài đã học trường nào?”.

Anh Chánh trả lời: “Tôi chỉ qua mỗi một trường đấu tranh thực tiễn cách mạng”. De Beaufort lại hỏi: “Ngày ấy, nếu ngài dấn lên một bước nữa thì bắt sống được tôi”. Nguyễn Chánh cười vui vẻ đáp lời: "Tôi đã sẵn sàng tấn công tiêu diệt Buôn Ma Thuột, nơi ngài đặt sở chỉ huy. Nhưng ngài Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cho tôi biết: Đối phương đã chấp nhận đình chiến, nên không để cho chiến sĩ của ta rơi thêm một giọt máu nào nữa.

Một lần khác, De Beaufort nói với Nguyễn Chánh: "Quả thật, tôi khâm phục quân đội của các ông. Họ giỏi hơn lính của chúng tôi. Các ông thắng là phải".

Không bình luận nhiều, Nguyễn Chánh đối đáp rất tế nhị: "Không phải lính Pháp kém cỏi đâu. Họ đã từng chiến thắng phát-xít Đức từ châu Âu đến châu Phi. Các ông thua vì các ông không có chính nghĩa mà thôi".

Kết thúc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Chánh được giao đảm nhiệm chức vụ Phó tổng Tham mưu trưởng. Sau đó, theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, ông trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Đến năm 1958, quân đội ta bắt đầu thực hiện chế độ phong quân hàm cho sĩ quan. Trung tướng Đặng Hòa ngày ấy là Trưởng phòng Quân hàm, trong hồi ký của mình đã kể lại khi đề cập việc phong quân hàm cấp tướng cao nhất trong đợt phong đầu tiên này lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Bác Hồ và Quốc hội phê chuẩn, đề nghị đồng chí Nguyễn Chí Thanh cấp đại tướng, Nguyễn Chánh cấp thượng tướng.

Thế nhưng, do gần 10 năm bị tù đày, đánh đập, tra tấn dã man, cùng với công việc nặng nề, nên Nguyễn Chánh đã đột ngột từ trần ngày 24-9-1957 sau một cơn trụy tim (cận ngày phong quân hàm). Vì vậy, đồng chí, bạn bè thường gọi anh là “Vị tướng không quân hàm” với tất cả lòng ngưỡng mộ, kính nể, yêu quý và tiếc thương!


Theo HỒ NGỌC SƠN

Báo Quân đội nhân dân


.