Muốn làm việc lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ

09:07, 05/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 25 năm - từ một tỉnh nghèo với muôn vàn khó khăn, Quảng Ngãi đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tỉnh, thành có số thu ngân sách cao nhất nước. Thành quả của ngày hôm nay có sự cống hiến không nhỏ của những cán bộ ngày đầu tách tỉnh. Với đồng chí Trần Cao Minh - người đứng đầu chính quyền ngày ấy đã phải bắt tay thực hiện ngay lời dặn của bác Phạm Văn Đồng “Muốn làm việc lớn, các chú phải bắt đầu từ các việc nhỏ”.

Trong câu chuyện kể cho chúng tôi nghe về ngày tái lập tỉnh, có lẽ cảm xúc vui mừng trong ông vẫn còn nguyên vẹn. Bởi sau 13 năm sáp nhập tỉnh Nghĩa Bình, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã được Bộ Chính trị đồng ý. “Ngày 16.3.1989 đồng chí Võ Chí Công – lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước về họp Thường vụ Tỉnh ủy Nghĩa Bình công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc tách tỉnh, anh em quê Quảng Ngãi ai cũng mừng, hân hoan, phấn khởi dù biết sẽ đối diện với muôn vàn khó khăn phía trước. Thời gian đó rất nhiều việc, 1 tuần phải vào Bình Định ở 3 ngày để làm công việc phân chia cán bộ cho các cơ quan, đơn vị và các tài sản liên quan, cứ thế đi đi về về gần 3 tháng trời mới giải quyết xong. Đến ngày 1.7 thì ra hẳn”, đồng chí Trần Cao Minh nhớ lại.

 

Đồng chí Phạm Văn Đồng thăm gia đình đồng chí Trần Cao Minh.               Ảnh: TL
Đồng chí Phạm Văn Đồng thăm gia đình đồng chí Trần Cao Minh. Ảnh: TL


Ngày về, gia đình đồng chí Trần Cao Minh được tỉnh bố trí một phòng ở nhà khách của Uỷ ban nhân dân tỉnh, cơm nước thì đậu gạo vào với cán bộ Ban Tổ chức Chính quyền (nay là Sở Nội vụ). Sau này, tỉnh mượn một căn hộ của một cán bộ cho gia đình ông ở để tiện cho gia đình sinh hoạt và thuận lợi hơn để ông tiếp công dân. Khi tách chắc chắn là Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn hơn, trước hết là trụ sở cơ quan  làm việc; thứ hai là ngân sách tài chính. Thời kỳ tách tỉnh cũng là thời điểm đất nước bắt đầu đổi mới, kinh tế đất nước khó khăn.

Tách tỉnh phải chia cái bàn, cái ghế về dùng, tiền mặt chỉ hơn 70 triệu đồng, chỉ đủ lo lương và đời sống cho cán bộ. Thứ ba là, số cán bộ về chiếm khoảng 24% cán bộ toàn tỉnh Nghĩa Bình nên rất thiếu. Nhưng thuận lợi là lòng người, bởi vì nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân mình được Bộ Chính trị đáp ứng. Bên cạnh đó là Trung ương và các bộ ngành quan tâm giúp đỡ, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí luôn về thăm và có những lời chỉ giáo, dặn dò lãnh đạo tỉnh phải sớm thoát ra khỏi khó khăn, tiến kịp các tỉnh bạn.

Dù đối mặt với khó khăn của ngày đầu tách tỉnh, nhưng người tiếp quản chính quyền ngày ấy vẫn luôn tin rằng một ngày không xa Quảng Ngãi sẽ phát triển mạnh mẽ. Với niềm tin đó, đồng chí Trần Cao Minh cùng với cộng sự đã bắt tay ngay vào việc, bắt đầu từ việc “Lấy dân làm gốc”. Đồng chí Trần Cao Minh kể lại: Bác Đồng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến quê hương mình. Nhất là sau khi tách tỉnh, Bác biết và luôn chia sẻ với lãnh đạo tỉnh những khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, thiếu hụt cán bộ.

Lúc nào gặp anh em chúng tôi, Bác Đồng cũng nhấn mạnh và căn dặn làm gì cũng phải nghĩ đến nhân dân, hết sức vì dân, quan tâm nhiều đến đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi. Bác rất chú ý phải đưa khoa học vào nông nghiệp để tăng năng suất, sản lượng. Bác dặn phải đoàn kết, xây dựng Đảng vững mạnh, đảng viên phải gương mẫu. Bác nói muốn làm được việc lớn phải bắt đầu từ những việc nhỏ như thế. Từ những lời dặn của Bác, việc đầu tiên chúng tôi xác định là phải an dân, làm gì thì làm nhưng sản xuất không được đình đốn, trước hết là mảng nông nghiệp, rồi lo chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc cho cán bộ từ Nghĩa Bình về.

Thứ hai là, tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện, chủ trương của tôi và các đồng chí trong Ban Thường vụ là dân có oan ức thì phải giúp họ gỡ khó, gỡ oan. Thứ ba là, tập trung làm cho được là công trình thủy lợi Thạch Nham để tạo bước đột phá cho tỉnh trong sản xuất nông nghiệp. Điều đáng mừng là, sau tách tỉnh một thời gian, cán bộ của tỉnh vươn lên rất nhanh và có nhiều đóng góp xứng đáng, đặc biệt là anh em trẻ, lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật. Minh chứng rõ nhất là, tách tỉnh không lâu là công trình thủy lợi Thạch Nham - công trình trọng điểm Nhà nước đã hoàn thành. Trên một cái nền Thạch Nham có nước, cũng đồng nghĩa giải quyết được vấn đề nông nghiêp, dân có bát cơm đầy. Tiếp đến là đề xuất mở Quốc lộ 24B thông lên Kon Tum và nối dài xuống Tịnh Kỳ, mở cả luồng cảng Sa Kỳ để có chỗ cho các tàu cá thuận lợi ra vào, tiến lên một bước nữa là cảng Dung Quất…

Trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh từ tháng 7.1989 - 6.1992, với những “việc nhỏ” của ông và cộng sự ngày ấy đã làm nền tảng vững chắc để những công trình, dự án tiếp nối được khởi công, xây dựng trên địa bàn tỉnh. Quảng Ngãi đang trên đà tăng trưởng và sau 25 năm nhiều “việc lớn” đã và đang trên đà đến đích như là món quà dành tặng cho những người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà.

THANH THUẬN


 


.