Đưa nghị quyết đi vào cuộc sống

03:07, 07/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong những mục tiêu lớn được Tỉnh uỷ chỉ đạo xuyên suốt trong những năm qua. Với huyện vùng cao Sơn Hà, để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác này, huyện ủy đã ban hành Nghị  quyết chuyên đề số 05.  

Các mô hình giảm nghèo bền vững

Xã Sơn Giang hiện có 3 hộ gia đình thành công với mô hình nuôi cá điêu hồng ở hồ chứa nước Đồng Giang. Đây là mô hình không mới đối với người dân ở đồng bằng, nhưng là một sự bứt phá của người dân miền núi. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết học hỏi kinh nghiệm và tận dụng lợi thế sẵn có tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như hộ ông Đinh Cà Nô, được cán bộ khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật nên nay đã nuôi được cá điêu hồng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lợi trên 40 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi bò lai ở các xã Sơn Giang, Sơn Trung cũng được các cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo nhân rộng và đã mang lại hiệu quả. Sau vài năm chăm sóc, người dân có thể thu từ 15 – 20 triệu đồng. Anh Đinh Văn Lên ở thôn Làng Lòn, xã Sơn Trung, cho biết: Bây giờ mình đã biết cách chăn nuôi bò rồi, như trồng cỏ, đưa rơm rạ về chất cây để dành thức ăn cho bò vào mùa đông và không còn thả rông như trước. Còn hộ anh Phạm Tấn Dũng ở thôn Gò Đồng, xã Sơn Giang, sau khi được địa phương đầu tư một con bò cái sinh sản đã giúp gia đình anh thoát nghèo, từ cuối năm 2013. “Sau khi cấp giống, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chăn nuôi. Bây giờ, tôi rất muốn Nhà nước hỗ trợ để nhân rộng đàn bò để tăng thu nhập, lo cho các con ăn học”, anh Dũng tâm sự

Theo đánh giá của cấp uỷ, chính quyền ở Sơn Hà, những mô hình mang lại hiệu quả cao đã kích thích tinh thần cho người dân. Tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước phần nào đã được xóa bỏ trong đại bộ phận người dân. Đồng chí Dương Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, cho biết: Việc hỗ trợ giống, vật nuôi cho đồng bào vùng cao là cần thiết, nhưng cũng phải xem thử nhu cầu của người dân là gì. Đồng thời, con giống hỗ trợ phải có giá trị cao thì người dân mới phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc cố gắng chăn nuôi phát triển kinh tế.

Dựa vào chính quyền cơ sở

Trong 5 năm qua, huyện Sơn Hà có trên 9.760 hộ gia đình được hỗ trợ từ Chương trình 30a, với tổng kinh phí thực hiện trên 3,5 tỷ đồng. Một số mô hình như nuôi heo hướng nạc, chăn nuôi gà thả vườn, gà H’Mông, nuôi bò cái sinh sản đã phát huy được hiệu quả. UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể từ huyện đến xã theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, làm chuồng trại hợp vệ sinh. Mỗi xã đều phân trách nhiệm cho hội đoàn thể, chi bộ từng thôn. Việc xác định tiêu chí hộ nghèo cũng được tổ chức theo hướng công khai, dân chủ từ cơ sở.

Chính vì vậy, từ năm 2013 đến nay, việc kiểm tra, giám sát được tổ chức chặt chẽ ở từng xã. Đồng chí Dương Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết thêm: Việc xét hộ nghèo được đưa ra để nhân dân bình xét, nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ. Từ năm 2013 đến nay, lãnh đạo xã Sơn Trung đã phân công cán bộ theo mô hình, cứ 6 hộ gia đình hình thành 1 nhóm, hằng tháng có kiểm tra giám sát và lắng nghe ý kiến của những gia đình được thụ hưởng. Bên cạnh đó, cấp ủy cũng chỉ đạo các hội đoàn thể thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, theo dõi tiến độ, kết quả để thực hiện chương trình 30a ở địa bàn mình phụ trách.

Còn đối với xã Sơn Giang, đi đôi với công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện, cấp ủy, chính quyền còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của người dân được hưởng thụ từ chương trình 30a. Vì vậy, đối tượng hưởng thụ từ chương trình đều được xác định đúng. Đồng chí Đinh Văn Mông - Phó Chủ tịch HĐND xã Sơn Giang cho biết: Thực hiện giám sát ở đây là những gia đình được cấp con giống có phải là hộ nghèo hay không. Xã xây dựng kế hoạch chuyên đề giám sát từng thôn, kiểm tra từng hộ có phát triển hay không, nhắc nhở những hộ thực hiện không đúng, nếu phát hiện có dịch bệnh thì kịp thời đề nghị UBND xã chỉ đạo cán bộ thú y hướng dẫn cho bà con cách phòng ngừa.

Hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo ở các huyện miền núi là một hợp phần quan trọng trong Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững. Lựa chọn phương án hỗ trợ cây gì, nuôi con gì đối với đồng bào là không đơn giản. 5 năm qua, chỉ tính riêng hợp phần “Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập”, huyện Sơn Hà đã giải ngân hơn 39 tỷ đồng mua cây, con giống, dạy nghề cho người nghèo.

Nhờ đó đã giảm hộ nghèo từ trên 60% xuống còn dưới 40%.  Điều này đã cho thấy cách làm này đã phát huy hiệu quả. Đây cũng là một trong những việc làm cấp bách mà Đảng bộ huyện Sơn Hà xác định sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 bằng việc lựa chọn giải pháp phù hợp để triển khai Chương trình 30a. Bước đột phá này của huyện Sơn Hà sẽ góp phần thực hiện thành công Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện
  
 Thanh Thuận
 

.