Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi- 25 năm xây dựng và phát triển: Dấu ấn của những quyết sách

01:07, 01/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 4.3.1989, Bộ Chính trị có Quyết định số 83-QĐ/TW về việc chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Như vậy, về mặt Đảng, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi chính thức hoạt động trong giai đoạn này. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, đến tháng 7.1989, công tác chia tách đã hoàn thành, bộ máy chính quyền bắt đầu hoạt động trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen nhau.

Từ những nhiệm vụ cấp bách...

Đồng chí Từ Tân Vũ, nguyên Bí thư thị xã Quảng Ngãi, nguyên Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, kể: Ngân sách ngày tái lập tỉnh chỉ có 76 triệu đồng. Nửa tháng sau được chia từ quỹ dự trữ tỉnh Nghĩa Bình hơn 3.000 tấn thóc và 42.000 USD. Trụ sở làm việc, nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chưa có nhiều. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học kỹ thuật thiếu trầm trọng... Thực tế đó đã thúc giục Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 01-NQHN-TU ngày 29.7.1989 về những công tác cấp bách, như: Ổn định tư tưởng cán bộ, công nhân viên chức; huy động các nguồn lực để phục vụ sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng...

Tổng Bí thư Đỗ Mười khảo sát mặt bằng xây dựng NMLD Dung Quất trong một chuyến về thăm và làm việc tại Quảng Ngãi.
Tổng Bí thư Đỗ Mười khảo sát mặt bằng xây dựng NMLD Dung Quất trong một chuyến về thăm và làm việc tại Quảng Ngãi.


Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, Tỉnh uỷ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HN-TU ngày 11.5.1990, chỉ đạo: "...các cấp, các ngành phải vươn lên tầm cao mới bằng một tinh thần kiên quyết, khẩn trương và nỗ lực vượt bậc, không thể chần chừ, do dự, vì thời gian không chờ đợi chúng ta". Với tinh thần đó, một số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nguyên tắc Đảng đã bị xử lý, thanh lọc khỏi hàng ngũ của Đảng, góp phần ổn định tư tưởng cán bộ, tạo niềm tin để nhân dân thi đua lao động sản xuất.

Đây cũng là việc làm xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh trong suốt 25 năm qua. Và niềm vui rạng ngời trên gương mặt người nông dân khi vụ sản xuất đông xuân 1990-1991, công trình thuỷ lợi Thạch Nham đã tưới được 12.500ha diện tích, thay thế hệ thống bờ cừ, bờ xe nước trên sông Trà Khúc. "Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng phải nói rằng, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ đã tạo tiền đề quan trọng để Quảng Ngãi từng bước ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, tự tin bước vào Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (vòng 2), nhiệm kỳ 1991-1995 và những đại hội tiếp theo", đồng chí Từ Tân Vũ nhớ lại.

...đến con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Đồng chí Từ Tân Vũ cho biết, quyết sách được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 1991- 1995 đưa ra là: "Lấy phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và từng bước xây dựng nông thôn mới làm nhiệm vụ hàng đầu". Vì thế, trong giai đoạn này tỉnh dành 59,9% vốn đầu tư XDCB thuộc ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, trong đó có 78,2% cho công trình thuỷ lợi Thạch Nham. Và công trình này đã hoàn thành trong năm 1995, góp phần nâng cao năng suất và mở rộng diện tích đất trồng lúa. Cây mía là cây công nghiệp truyền thống, chủ lực của Quảng Ngãi được Tỉnh uỷ xác định là một trong 9 chương trình trọng điểm trong giai đoạn này.

Cùng với đó, Tỉnh uỷ còn coi phát triển kinh tế miền núi, trung du không chỉ là yêu cầu bức xúc của miền núi, trung du mà còn là lợi ích chung của toàn tỉnh cả trước mắt và cho các thế hệ mai sau. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục...; khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế ra đời và phát triển.

Định hướng phát triển hài hoà, hợp lý đó là tiền đề quan trọng để Quảng Ngãi bước chân vào con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Điển hình là, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết 1049/NQ-TU ngày 5.5.1995 về việc xây dựng KCN ven biển miền Trung (sau này là KKT Dung Quất) và Cảng Dung Quất, trong đó có NMLD Dung Quất. Điều này thể hiện tư duy mới về định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Và trong giai đoạn 1996-2005, Tỉnh uỷ đã bắt tay ngay vào thực hiện mục tiêu này, bằng việc khởi động NMLD Dung Quất, hình thành KCN Quảng Phú, Tịnh Phong, các cụm công nghiệp- làng nghề.

Cùng với đó, liên tục trong những năm qua, Tỉnh uỷ đã không ngừng chỉ đạo đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Hình thành các vùng kinh tế trọng điểm gắn với phát triển không gian đô thị theo hướng bền vững, hài hoà, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của từng vùng, miền, đặc biệt là kinh tế biển, kinh tế lâm nghiệp...

Có thể khẳng định rằng, định hướng đó là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Tỉnh uỷ trong lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội. Minh chứng cho điều này là GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.209 USD, vượt 20% chỉ tiêu, gấp 3,79 lần  năm 2005. Năm 2013, kinh tế Quảng Ngãi tiếp tục tăng trưởng 11,3%, GDP bình quân đầu người 2.040 USD, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 30.500 tỷ đồng, lọt vào top thứ 4 các tỉnh, thành có số thu ngân sách cao nhất trên cả nước. Và mới đây, Dự án KCN và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi được khởi công xây dựng đã mở ra thêm một triển vọng mới cho Quảng Ngãi, tạo tiền đề để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Nhân tố quyết định mọi thắng lợi

Dõi theo chặng đường phát triển của tỉnh trong suốt 25 năm qua, đồng chí Trần Cao Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh những năm đầu tái lập tỉnh, khẳng định: Trong mọi thời kỳ cách mạng, con người luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Chặng đường 25 năm qua, dù có một số khuyết điểm trong công tác tổ chức cán bộ, nhưng tựu chung chúng ta cũng đã có những quyết sách táo bạo, trí tuệ cao trong công tác này.

Xác định được tầm quan trọng đó, đi đôi với việc lãnh đạo phát triển kinh tế, trong 25 năm qua, Tỉnh uỷ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác GD&ĐT, công tác xây dựng Đảng. Đó là, Tỉnh uỷ chủ trương từng bước đa dạng hoá các loại hình GD&ĐT và đã thực hiện xuyên suốt trong 25 năm qua. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015, xác định: Nâng cao chất lượng GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Trong công tác xây dựng Đảng, những năm đầu tái lập tỉnh cũng là thời kỳ nước ta bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô và các nước Đông Âu, nhưng Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng tỉnh nhà thành công với tinh thần là đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Trong 5 năm (1991-1995), toàn Đảng bộ đã kết nạp được 3.125 đảng viên mới, tăng bình quân hằng năm 32,7%.

Từ đó đến nay, cùng với đẩy mạnh công tác kiện toàn, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, Đảng bộ Quảng Ngãi hết sức quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Tháng 3.1998, Tỉnh uỷ ra Chỉ thị 24-CT/TU về xây dựng quy hoạch cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Việc làm này được duy trì liên tục trong các nhiệm kỳ qua nên chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị liên tục được nâng lên. Đến cuối năm 2010, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo hoàn thành việc lập tổ chức đảng ở 65 thôn, tổ dân phố trước đây chưa có tổ chức đảng. Tổ chức cơ sở đảng yếu kém từ 3,8% giảm xuống còn 0,5%; tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh từ 65,8% tăng lên 71,6%.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015, xác định tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng gắn với rèn luyện  đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác xây dựng Đảng, chú trọng công tác cán bộ, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên.

Với chủ trương đó, trong những năm qua, Tỉnh uỷ đã tổ chức đào tạo tại tỉnh và đưa đi đào tạo sau đại học cho hàng trăm cán bộ; tăng cường sinh viên đào tạo đại học chính quy về công tác tại cơ sở; tổ chức sắp xếp, luân chuyển hàng trăm lượt cán bộ chủ chốt, cán bộ các phòng, ban ở 3 cấp, nhằm đào tạo nguồn cán bộ cho các cấp. Riêng trong năm 2013 có 255 cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác. Trong đó có 107 công chức, viên chức thuộc các sở, ban ngành cấp tỉnh và 148 công chức, viên chức thuộc UBND các huyện, thành phố.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhiệm vụ chính trị mới của tỉnh là rất lớn, khó khăn và thuận lợi đan xen nhau, nên Đảng bộ tỉnh đã không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu. Đảng bộ tỉnh đã tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Nghị quyết TƯ 6 (lần 2) về một số vấn đề cơ bản cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; và gần đây là Nghị quyết TƯ 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Một phần tư thế kỷ đi qua, Đảng bộ tỉnh đã gặt hái được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng... Từ một tỉnh nghèo, kém phát triển, chúng ta đã vươn lên thoát nghèo, trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển khá trong khu vực và cả nước. Nhưng điều đó không cho phép chúng ta tự thoả mãn, mà cần phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa và tận dụng có hiệu quả những thời cơ đang có. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ; tạo sự đồng thuận trong xã hội.
 

 Phú Đức

 


.