Già Rê mê làm việc tốt

02:06, 19/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đi qua bao mùa rẫy, cựu chiến binh Đinh Minh Rê (66 tuổi) ở thôn Ra Mun, xã Sơn Long (Sơn Tây) vẫn ngày đêm miệt mài với công việc của một già làng mẫu mực, trong cuộc chiến chống đói nghèo, bảo vệ an ninh Tổ quốc...

“Giữ” lại tiền cho dân bản

Từ trên nương về lúc trời chập choạng tối, sau bữa cơm vội vã,  già Rê lấy cuốn sổ ghi chép trong ngăn tủ, nói với mọi người: “Hôm nay phải đến nhà bà Íp, bà Íp vừa nhận được tiền đền bù, đã có nhiều người lạ đến gạ gẫm, bán những vật dụng với giá đắt đỏ”.

 

Già làng Đinh Minh Rê giãi bày cho bà Đinh Thị Íp (thứ 2 từ phải sang) trong việc sử dụng tiền đền bù.
Già làng Đinh Minh Rê giãi bày cho bà Đinh Thị Íp (thứ 2 từ phải sang) trong việc sử dụng tiền đền bù.


Dừng chân tại nhà bà Íp, quây quần bên bếp lửa hồng, Già Rê nhỏ nhẹ giãi bày: “Nhà chị Íp lần này được nhận gần 600 triệu tiền đền bù, nhưng chớ có tin lời người lạ, mua nợ những vật dụng không cần thiết mà họ bán. Sau này bị họ chèn ép, trả tiền gấp đôi thì khổ cho mình. Nhận được tiền rồi, lo mua đất để có chỗ làm cái rẫy, làm chuồng trại để có nơi cho con bò, con trâu nó nghỉ chân”.

 Cũng là người nằm trong diện được đền bù, già Rê hiểu được tâm trạng chung của phần lớn của bà con. Điều kiện phát triển kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn, những năm mất mùa, đói quay quắt, giờ “rủng rỉnh” trên tay tiền triệu, tiền tỷ họ bắt đầu xây biệt thự, tậu xe máy hạng sang, nếp nhà sàn truyền thống cũng bắt đầu thưa vắng dần, thanh niên “choai choai” tập tành hút thuốc lá, uống rượu nhiều hơn ăn trầu. Thế nên, “phải tìm cách khuyên nhủ để bà con giữ lại tiền để dành cho những việc quan trọng”-già Rê tâm sự.

Gương mẫu để con cháu noi theo

Tham gia cách mạng năm 1962, ông Đinh Minh Rê vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng ở tuổi 24. Qua bao mùa rẫy, khi con cái yên bề gia thất, người cựu chiến binh này có nhiều thời gian tâm huyết cống hiến cho bà con dân bản. Ông tình nguyện giúp nhiều đôi vợ chồng trẻ vay tiền làm ăn để thoát nghèo. Như gia đình anh Đinh Văn Thành ngụ cùng thôn, ngày trước thuộc diện nghèo của xã, được ông cho mượn bò nuôi theo hình thức “chăn bò rẻ”, mượn vốn làm ăn. Giờ anh Thành không chỉ thoát nghèo mà còn được mọi người tín nhiệm, bầu làm Tổ phó khu dân cư  Ra Mun.

Ngày trước, gia đình già Rê cũng nghèo. Năm 1998, từ xã Sơn Dung, ông cùng vợ xung phong lên định cư ở vùng núi Ra Mun, khai khẩn đất hoang, xây dựng kinh tế. 15 năm ròng, cật lực lao động, hơn 7 ha đất hoang được vợ chồng ông khai phá. Vùng đất cằn cỗi bao năm dưới bàn tay nhào nặn của ông được phủ xanh bởi những cánh rừng keo, sắn. Thế rồi Dự án thủy điện Đakđrinh được thực hiện. Gắn bó với mảnh đất tổ tiên, nhiều người chỉ muốn nhận tiền đền bù chứ nhất quyết không chịu đi đến nơi ở mới. Ông chia sẻ: “Mình hiểu nỗi niềm của bà con, họ sống chủ yếu dựa vào rừng, giờ chuyển lên trung tâm xã, lại không còn đất, chuyển đi, ai cũng lo cuộc sống sẽ bị xáo trộn. Trăn trở lắm, nhưng  mình không gương mẫu đi đầu, nhường đất cho thủy điện, thì không biết bao giờ công trình Nhà nước phục vụ dân sinh mới hoàn thành”.

Người làng Ra Mun xem già Rê là “điểm tựa” tinh thần của họ. Ông Đinh Văn Đấu- ngụ thôn Ra Mun bộc bạch: “Bao năm nay, già Rê làm được nhiều việc tốt cho dân, vui buồn, sướng khổ cùng với bà con. Tâm dạ ổng ngay thẳng, mọi người ai cũng tin yêu, cảm kích ở tấm lòng thơm thảo của ông”.

 

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.