Hoa nở trên cánh đồng xanh

08:04, 20/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 3 năm triển khai Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, thay đổi cách nghĩ, cách làm của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. Nhờ đó, ngày càng có nhiều những gương tập thể, cá nhân điển hình nông dân trong việc làm theo tấm gương của Bác. Họ là những đóa hoa đẹp trên cánh đồng xanh cuộc đời.

TIN LIÊN QUAN


Nhiều cách làm hay

Đến thôn Trung Lý, xã Phổ Vinh (Đức Phổ) hỏi ông Nguyễn Tăng Mậu, ai cũng nhiệt tình chỉ đường đến nhà ông Mậu “thanh long”. Sở dĩ ông Mậu được mọi người trìu mến đặt cho danh xưng đó là vì ông là người có công gầy dựng giống thanh long ruột đỏ trên đồng đất này. Năm 2009, nhận thấy cây thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Mậu vào tận tỉnh Bình Thuận tìm hiểu kỹ thuật và mua giống về trồng. Những cây thanh long đầu tiên được trồng thử nghiệm phát triển tốt và cho năng suất cao. Từ đó, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng vườn thanh long của mình lên hơn 500 gốc, mỗi năm đem về cho gia đình ông trên 50 triệu đồng.

 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Việt Chính trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Việt Chính trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.


Chứng kiến cảnh bà con xóm giềng loay hoay với những cách làm ăn mới mà vẫn chưa đạt hiệu quả, ông Mậu “dụ” họ trồng thanh long như gia đình mình. Các cây thanh long của ông Mậu xanh tốt, sai quả đã thuyết phục được 10 hộ gia đình trong thôn chuyển đổi cây trồng sang thanh long. Ông Mậu nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho những ai đến học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long.  

Trong những năm qua, Câu lạc bộ nuôi heo sinh sản của Chi hội Nông dân thôn Nước Bung (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) là đơn vị điển hình thực hiện áp dụng kỹ thuật chăn nuôi trong đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2011, được Hội Nông dân tỉnh đầu tư mô hình “Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình cho hội viên nông dân nghèo vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo”, Chi hội Nước Bung đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Nuôi heo sinh sản”. Ngay sau đó, 9 hộ hội viên nghèo (có 5 hộ hội viên là tín đồ tôn giáo) được chọn tham gia mô hình. Các hộ tham gia CLB đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi heo sinh sản và phòng, chống dịch bệnh. Sau khi được tập huấn, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con heo giống và phải ký cam kết “sau khi heo sinh sản lứa đầu, mỗi hộ chọn và giao 1 con heo giống tốt nhất trong đàn để nhân rộng cho các hộ khác”.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, heo giống của 7 hộ tham gia mô hình đã sinh sản và phát triển tốt, tổng số đàn heo đã lên tới 53 con và được nhân rộng đến 18 hộ hội viên nghèo. Đây là mô hình nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn đối với hội viên nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua tham gia mô hình, hội viên nông dân được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi, góp phần xóa bỏ tập tục chăn nuôi lạc hậu, giúp nông dân thoát nghèo bền vững.

Chú trọng “làm theo” Bác

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 03, 100% cán bộ, đảng viên, công chức các cấp Hội Nông dân cũng đã ý thức, trách nhiệm hơn trong thực thi nhiệm vụ, giảm thiểu rõ rệt tình trạng “đi trễ, về sớm”, thực hiện “nói đi đôi với làm”. Cán bộ Hội thường xuyên sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân. Các cấp Hội luôn bám sát và thực hiện có hiệu quả chương trình, nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác của Hội Nông dân tỉnh giao và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương.

Trong 3 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã kết nạp mới gần 22.000 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên trên 172.000 hội viên.  Trong những năm qua, toàn tỉnh đã có 568 mô hình, tập thể, cá nhân điển hình về học tập và làm theo gương Bác trong hệ thống Hội, góp phần khẳng định được vai trò, vị trí của Hội Nông dân các cấp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Quảng Ngãi có 78.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, 21 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Ông Võ Việt Chính – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, chia sẻ: “Làm theo Bác” không còn là hình thức, chỉ diễn ra trong cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống Hội mà đã lan toả sâu rộng trong hội viên nông dân. Bằng những việc làm sáng tạo, cụ thể, thiết thực, việc “làm theo” Bác của cán bộ, hội viên nông dân đã góp phần xây dựng Hội vững mạnh, củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, hội viên, nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; cùng với các lực lượng khác trong xã hội đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.