Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính: Chuyển biến tích cực ở cơ quan Tỉnh đoàn

01:04, 27/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 1 năm triển khai Quyết định 20/QĐ-UBND, ngày 7.5.2013 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, cơ quan Tỉnh đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều việc làm cụ thể, hiệu quả, thiết thực của mỗi cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

TIN LIÊN QUAN


Xây dựng phong cách cán bộ Đoàn

Ngay sau khi Quyết định 20 được ban hành, cùng với Chỉ thị số 01 CT/TWĐTN, ngày 17.5.2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” đến mỗi cán bộ đoàn. Mục đích của việc xây dựng phong cách cán bộ đoàn là tạo điều kiện, môi trường để đội ngũ cán bộ đoàn tích cực rèn luyện bản thân, tạo ra những phẩm chất, phong cách của thủ lĩnh thanh niên Quảng Ngãi. Đây là những nhân tố có uy tín cao trong ĐVTN. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác tập hợp thanh niên và hành động theo ngọn cờ lý tưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

 

Xây dựng phong cách cán bộ Đoàn nhằm tạo ra các nhân tố có uy tín cao trong đoàn viên, thanh niên.
Xây dựng phong cách cán bộ Đoàn nhằm tạo ra các nhân tố có uy tín cao trong đoàn viên, thanh niên.


Chị Hà Thị Anh Thư – Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Để hình thành nên phong cách cán bộ đoàn, Tỉnh đoàn đã phổ biến nội dung rèn luyện đến từng cán bộ đoàn, từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Theo đó, xây dựng phong cách cán bộ đoàn phải gắn với “8 điều nên làm và 8 điều không nên làm”. Đối với cán bộ đoàn chuyên trách, Bí thư Đoàn cơ sở trở lên, nội dung nên làm tập trung vào hai điều: Trách nhiệm và sáng tạo. Trong đó, không đùn đẩy trách nhiệm, nhận thức đầy đủ trách nhiệm cá nhân trong tập thể, chủ động trong công tác. Đồng thời tích cực hiến kế, đóng góp các giải pháp nâng cao chất lượng công tác, tránh làm việc theo lối mòn để công việc thiết thực, hiệu quả hơn. Còn nội dung không nên làm chính là tránh quan liêu, hành chính hóa trong công việc, thiếu quan tâm, gần gũi, lắng nghe ý kiến của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Đối với cán bộ đoàn không chuyên trách, chi đoàn cần tập trung tính xung kích và gương mẫu trong công tác để nói đi đôi với làm, chống lãng phí.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng triển khai sâu rộng thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” do Trung ương Đoàn phát động. Theo đó, hình mẫu thanh niên thời kỳ mới phải hướng tới mục tiêu có “tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn” để góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, khát vọng đưa đất nước vươn lên làm chủ khoa học công nghệ hiện đại. Không những thế, người thanh niên trong thời đại mới phải luôn có ý thức học tập và lao động; đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống; ngăn chặn những thói hư tật xấu hình thành trong tập thể và mỗi cá nhân.

Chuyển biến tích cực

Trên thực tế, trước đây, đôi khi cũng có CBCCVC của cơ quan Tỉnh đoàn đi làm muộn, về sớm do bận việc gia đình. Nhưng sau khi được quán triệt Quyết định 20 của UBND tỉnh, tất cả CBCCVC đều ý thức hơn trong công việc, đảm bảo ngày làm việc 8 tiếng. Sáng có mặt lúc 7 giờ, trưa 11giờ 30 phút về; chiều làm việc 13 giờ 30 phút đến 17 giờ theo quy định. Nếu bận việc đột xuất, đến trễ thì gọi điện xin phép, những cuộc hẹn cá nhân dời lại đến giờ nghỉ mới giải quyết. “Thật ra, có nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, cán bộ đoàn không chỉ làm đúng và đủ giờ, mà còn cống hiến thêm rất nhiều giờ tình nguyện cho công việc phong trào, bằng cách làm thêm ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ, Tết...”, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ.

Theo anh Nguyễn Hoàng Hiệp, để đảm bảo Quyết định 20 đã “thấm” vào mỗi CBCCVC cơ quan Tỉnh đoàn, công tác kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, đột xuất đối với văn phòng và các ban được tăng cường, chú trọng, nhằm chấn chỉnh việc chấp hành kỷ cương hành chính, ý thức chấp hành giờ giấc làm việc của CBCCVC. “Việc kiểm tra hoàn toàn bất ngờ, đột xuất, như vậy mới đánh giá đúng thực trạng, chứ nếu báo trước thì ắt sẽ có sự chuẩn bị, mọi thứ, mọi khâu đều tốt cả, kiểm tra xong rồi đâu lại vào đấy, không có hiệu quả. Kỷ cương hành chính có nghĩa nói đi đôi với làm, lấy sự gương mẫu của cán bộ đoàn để làm gương cho đoàn viên, thanh niên. Kỷ cương phải thể hiện trong mọi lúc, mọi nơi”, anh Hiệp chia sẻ.

Mới đây, Tổ kiểm tra 3326 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ quan Tỉnh đoàn. Qua kiểm tra, Tổ kiểm tra đã đánh giá cao sự nghiêm túc của CBCCVC cơ quan trong việc thực hiện Quyết định số 20 của UBND tỉnh. Thể hiện qua các chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực và nổi bật trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn tỉnh thời gian qua.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.