Tháng Ba trên đất Ba Tơ Anh hùng

02:03, 11/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, Ba Tơ bước vào kỷ niệm 69 năm ngày Khởi nghĩa Ba Tơ. Tự hào về lịch sử hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ đang nỗ lực vươn lên để xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.

TIN LIÊN QUAN

Những tấm lòng son sắt, thủy chung.

Sắp đến ngày kỷ niệm, dọc những con đường về Ba Tơ băng rôn, khẩu hiệu rực rỡ. Trong Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, cán bộ và nhân viên đã chỉnh trang lại sân vườn, phân công nhau đón tiếp các đoàn khách về thăm vùng quê khởi nghĩa. Anh Bùi Đình Ngôn, phụ trách Bảo tàng, cho hay: Sau khi Chính phủ công nhận 6 xã và thị trấn Ba Tơ là An toàn khu thời chống Pháp, lượng khách từ các nơi về thăm Ba Tơ đông hơn. Thăm  Bảo tàng xong, nhiều đoàn khách còn đến 14 điểm di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa  Ba Tơ để tham quan. Có đoàn còn về tận Ba Vinh thăm Hang Én, thăm núi Cao Muôn và dòng sông Liêng trong xanh...

Trẻ em Ba Tơ, rèn trí luyện tài để xứng đáng là người con của quê hương Ba Tơ Anh hùng.                                Ảnh: TRƯỜNG AN
Trẻ em Ba Tơ, rèn trí luyện tài để xứng đáng là người con của quê hương Ba Tơ Anh hùng. Ảnh: TRƯỜNG AN


Dọc Quốc lộ 24, Sở VH-TT&DL đã tu sửa các điểm di tích Chòi canh Suối Loa, nhà đồng chí Trần Quý Hai và hiện đang có kế hoạch tu sửa lại nhà của đồng chí Trần Toại ở xã Ba Động để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan khi đến vùng đất Ba Tơ Anh hùng.

 Tại bến thác Hang Én - nơi những chiến sĩ cách mạng sau khi vận động quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền đã cùng nhau thành lập đội du kích và tổ chức lễ tuyên thệ "Hy sinh vì Tổ quốc”, có bức phù điêu có hình các đội viên tuyên thệ.  Còn bên dòng sông Liêng, nơi có đội thuyền ngược xuôi đêm ngày tiếp tế lương thực cho đội du kích cũng đã xây dựng bia kỷ niệm hình chiếc thuyền... Việc xây dựng các điểm di tích là để ghi nhớ công lao của thế hệ đi trước và giáo dục truyền thống cho các thế hệ về tinh thần yêu nước.  


Phát huy thế mạnh để xây dựng quê hương.

Ba Tơ  bây giờ là một trong những huyện phát triển mạnh cây keo nguyên liệu. Chỉ tính trong năm 2013 vừa qua, toàn huyện đã trồng được gần 4.400 ha rừng nguyên liệu. Đồng thời, trong năm qua toàn huyện đã khai thác trên 350.000m3 gỗ keo đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng.

 

Tháng ba, tuổi trẻ tìm về cội nguồn Ba Tơ.
Tháng ba, tuổi trẻ tìm về cội nguồn Ba Tơ.


Đi đôi với việc trồng rừng nguyên liệu, những năm gần đây Ba Tơ đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía và trở thành vùng nguyên liệu mía lớn nhất của tỉnh (trên 980 ha) với năng suất  bình quân 57 tấn/ha.  Trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu, Ba Tơ cũng đã bước đầu hình thành cụm công nghiệp ở xã Ba Động, thu hút một số doanh nghiệp đầu tư.

Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, Ba Tơ đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Hiện đàn trâu ở Ba Tơ nhiều nhất tỉnh với số lượng 21.936 con. Nhiều năm qua, con trâu trở thành hàng hóa, giúp người dân có nguồn thu đáng kể. Bên cạnh đó, những năm gần đây người dân cũng tập trung phát triển đàn bò trên 9.000 con. Mô hình trồng cỏ nuôi bò đã phát triển mạnh ở các xã Ba Động, Ba Cung và thị trấn Ba Tơ.

Việc phát triển vùng nguyên liệu keo, mía, đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò cho thấy Ba Tơ đã biết tận dụng ưu thế của vùng núi đồi để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống cho người dân. Năm 2013, Ba Tơ đã xóa thêm 935 hộ nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 33%, thấp nhất trong 6 huyện miền núi.  Và Ba Tơ luôn đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội ở 6 huyện miền núi của tỉnh.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.