Đất nước bốn mùa – bốn mùa Xuân

12:01, 31/01/2014
.

Đất nước chào đón mùa Xuân Mới Giáp Ngọ với bao khát vọng và hy vọng. Một năm Quý Tỵ-2013 với bao biến động, chèo lái nhọc nhằn rồi cũng đã qua. Những dấu tích do thiên tai và nhân tai gây ra rồi cũng dần dà liền da liền sẹo. Những chao đảo, lạng vạng của nền kinh tế đất nước từ dư chấn, trực chấn của suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có chiều hướng quân bình, trở về cân bằng, với biên độ chủ động và ổn định…

Cái thứ triết lý dân gian “còn da lông mọc, còn chồi xanh cây” không biết tự bao giờ, đã đồng hành cùng người nông dân và cả với các doanh nhân trong thời buổi hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu đầy cơ hội, thách thức và cũng lắm bất trắc này. Người Việt Nam, tự bao giờ vẫn nhắc nhau: có thể mất nhiều thứ, nhưng không thể để mất lòng tin, không thể hết tự tin. Còn lòng tin thì còn tất cả; còn niềm tin thì mới đủ tự tin để vươn lên mỗi khi vấp váp, bất trắc, thậm chí đổ vỡ, thất bại.
 

Đường hoa bên cầu Rồng- điểm nhấn mới của Đà Nẵng trong dịp Xuân này (Ảnh: Hải Sơn)
Đường hoa bên cầu Rồng- điểm nhấn mới của Đà Nẵng trong dịp Xuân này (Ảnh: Hải Sơn)



Thế giới năm 2013 nhắc nhiều đến cụm từ “lòng tin chiến lược”. Dường như bao năm qua giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia, giữa đông với tây, giữa nam với bắc đang thiếu cái rất cần để xích lại gần nhau, để hiểu nhau, để loại bỏ xung đột, để chung sống hòa bình, cái thứ đang thiếu ấy là lòng tin.

Ông bà từng đúc kết: Nhất sự bất tín, vạn sự bất tin. Chỉ một lần không giữ được chữ tín là coi như mất cả lòng tin! Khôi phục lại chữ tín thật khó biết bao; và chữ tín đắt giá biết bao! Ấy là vì giữa lời nói và hành động không đi liền với nhau, nói nhiều mà làm ít, hoặc hành động ngược hoàn toàn với lời nói.

Cái thứ quy luật trái với đạo lý, bị nhân loại lên án, muốn loại bỏ nó, vẫn đâu đó hiện hữu. Ấy là cái thứ quy luật cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua, chân lý thuộc về kẻ mạnh… Và như thế chữ tín nhạt dần, thay vào đó là niềm tin rạn vỡ, nghi kỵ, đố kỵ, thù hằn. Hơn lúc nào hết, nhân loại, dù ở bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, cũng thèm khát hai chữ hài hòa, khát khao xích lại gần nhau, để yêu thương và thấu hiểu, sẻ chia, để bớt cô độc trong một thế giới đầy biến động và luôn tiềm ẩn tai họa, bất trắc.

Một sự trùng hợp đầy hứng khởi: Giáp Ngọ 60 năm trước dân tộc ta làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Giáp Ngọ 2014 này, sao chúng ta không làm nên một Điện Biên Phủ mới trong mọi lĩnh vực đời sống của đất nước? Đất nước còn chưa phát triển, nhân dân chưa thực sự ấm no, hạnh phúc; chưa tạo được những sản phẩm lợi thế, khác biệt, mang lại giá trị hơn hẳn; cơ sở vật chất còn chắp vá, lạc hậu; tham nhũng, tham ô, lãng phí vẫn còn… đấy chưa phải là tinh thần Điện Biên Phủ.

Tinh thần Điện Biên Phủ, ý chí Điện Biên Phủ phải thường trực trong tâm thức, hành động mỗi người Việt Nam, để đất nước này đổi thay thực sự, giàu mạnh vững bền, tự tin giữa bạn bè thế giới.

Năm 2014-năm Giáp Ngọ khiến chúng ta khát khao đất nước có được Thiên Lý Mã với bước đi bứt phá, đột khởi, xoay chuyển tình thế, tạo dựng vận hội, thế nước. Năm Giáp Ngọ cũng cho chúng ta liên tưởng dân tộc ta như một cỗ xe tam mã tiến về phía trước. Chẳng cứ là ngựa hồng ngựa tía, mà ngựa phải khỏe, phải tinh khôn, dày dạn đường trường, lại nhanh nhạy trước từng khúc cua, khúc quanh, khúc gấp.

Mà người cầm cương điều khiển cỗ xe lại càng phải toàn tâm toàn ý, can trường, tài giỏi, nhận biết trước khúc gấp khúc quanh, lại biết ngựa nào là ngựa hay ngựa chứng, ngựa nào dẻo dai, ngựa nào dễ nản chí bỏ cuộc để điều chỉnh sợi cương, ngọn roi đúng lúc, đúng tầm. Mà đã là cỗ xe tam mã thì không thể con tiến, con lui, con quay ngang con quay dọc. Tiến cùng tiến, dừng cùng dừng, và rẽ phải rẽ trái cũng phải nhịp nhàng, đồng điệu…

Lời chúc ngày nguyên đán nên chúc điều gì? Xuân này, tròn 45 năm mùa Xuân bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ đến với đồng bào chiến sỹ cả nước. Năm nay cũng tròn 45 năm toàn Đảng toàn dân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người. Cảm xúc chủ đạo trong các bài thơ mừng Xuân, chúc Tết của Bác Hồ luôn luôn là “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua”; còn hoài vọng mang tính thông điệp xuyên suốt trong Di chúc của Người là làm sao để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, là “Còn non còn nước còn người/ Thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay”…

Vào thời khắc này, lời thơ Người lại ngân vọng: Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua… Vào thời khắc này, lại nhớ lời Người căn dặn: Đoàn kết, phấn đấu xây dựng đất nước hơn mười ngày nay! Thực hiện được lời Người mong muốn, căn dặn, đất nước này, dân tộc này sẽ Xuân bốn mùa, sẽ bốn mùa Xuân…/.
 


Uông Ngọc Dậu


.