Đảng bộ huyện Ba Tơ: Phát huy truyền thống Anh hùng

04:11, 03/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, người dân Ba Tơ nô nức chuẩn bị kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng quê hương (30.10.1972- 30.10.2013). Trong niềm hân hoan đó, người dân còn được đón nhận Quyết định của Chính phủ về việc công nhận 1 thị trấn và 5 xã của huyện là vùng an toàn khu (ATK).

Vùng đất ghi nhiều dấu ấn lịch sử

Thời Pháp thuộc, vùng đất Ba Tơ được Pháp xây dựng một đồn sơn phòng và một "Căng an trí" giam tù chính trị. Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính, lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương, ngay lập tức Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Ngãi quyết định khởi nghĩa. Đêm 11.3.1945, đội quân khởi nghĩa do đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách… chỉ huy đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đồng bào Kinh, Thượng tiến lên đánh chiếm Nha Kiểm lý, đồn Ba Tơ và thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc khởi nghĩa tạo đà cho phong trào cách mạng Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

 

Phụ nữ Ba Tơ đóng góp hũ gạo tình thương.                                                                               Ảnh: P.Triều
Phụ nữ Ba Tơ đóng góp hũ gạo tình thương. Ảnh: P.Triều


Bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp trường kỳ gian khổ, huyện Ba Tơ tiếp tục là vùng ATK của Trung ương và của tỉnh, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh bại thực dân Pháp ở Kon Plong, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào dân tộc trong huyện đã phát huy tinh thần yêu nước, tích cực tham gia kháng chiến và giải phóng huyện nhà vào ngày 30.10.1972, trở thành huyện được giải phóng sớm nhất tỉnh.

Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Phạm Viết Nho cho biết: Sau giải phóng, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện gặp vô vàn khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ đói, nghèo khá cao. Tuy nhiên, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các Hội đoàn thể của huyện và nhân dân đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, XĐGN. Trong đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong huyện tập trung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Đến năm 2006, Ba Tơ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới…

Khi người dân đồng lòng

Làng quê Ba Tơ hôm nay đang từng ngày đổi thay. Từ trong gian khó, người dân đã biết vươn lên để nâng cao dân trí, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa nhiều cây, con giống mới vào sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, người dân đã tập trung phát triển cây keo lai, mía, sắn nguyên liệu...

Trong chăn nuôi, phát triển mạnh đàn bò laisind, đàn trâu theo hướng hàng hoá. Sự năng động đó đã góp phần rất lớn vào công tác xoá đói giảm nghèo, nhiều gia đình có thu nhập hàng chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển đã tạo đòn bẩy để phát triển giáo dục, y tế, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được củng cố và giữ vững. "Thành quả ngày hôm nay đã thể hiện ý chí quật cường, sự đồng lòng, không cam chịu đói nghèo của mỗi một người dân Ba Tơ", đồng chí Phạm Viết Nho, phấn khởi nói.

Không thoả mãn với vinh quang

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, hai năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 15,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông- lâm nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại- dịch vụ. Cụ thể là, lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp chiếm 59%; công nghiệp-TTCN chiếm 18,8% và thương mại- dịch vụ chiếm 22%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8,7 triệu đồng/năm.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, huyện đã xóa được 1.260 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 50% (năm 2011), giảm xuống 39,8% (năm 2012). Hầu hết các thôn, xã đều có đường ô tô vào được; hệ thống điện lưới quốc gia và công trình nước sinh hoạt đã đến với bà con trong huyện. Trường lớp học, cơ sở y tế được xây dựng mới ngày càng nhiều, phục vụ tốt nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của nhân dân.

Chị Lệ, một giáo viên quê ở Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) lên giảng dạy ở Ba Tơ đầu những năm 90 của thế kỷ trước kể với chúng tôi về sự đổi thay của Ba Tơ trong niềm vui: "Hồi ấy, đường lên Ba Tơ vừa đi vừa nhảy múa, chỉ cần sơ sẩy là ngã xuống đường vì những ổ voi. Phòng lớp học làm tạm bợ, học sinh chỉ quen lên rẫy nên giáo viên một buổi lên lớp, một buổi đi làm công tác vận động học sinh ra lớp. Trong cuộc sống, nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đồng bào... Còn nay, chuyện ấy chỉ còn là dĩ vãng".

Trạm Y tế xã Ba Giang (vùng ATK) được xây dựng khang trang. Ảnh: P.Triều
Trạm Y tế xã Ba Giang (vùng ATK) được xây dựng khang trang. Ảnh: P.Triều


Trong công tác xây dựng Đảng, huyện Ba Tơ đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ, thông qua việc củng cố tổ chức bộ máy, đảm bảo nguồn lực cán bộ kế cận các cấp, bởi huyện xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc thực hiện các biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI).

"Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ đã chỉ đạo xử lý một cách kiên quyết một số vụ việc nổi cộm, có dư luận không tốt trong xã hội, được nhân dân đồng tình. Đồng thời, lấy hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước làm cơ sở đánh giá xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm’’, Bí thư Huyện ủy Phạm Viết Nho nói. Qua phân loại đảng viên hằng năm có trên 81% đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, từ 58 - 81% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh.

Cũng theo đồng chí Bí thư Huyện uỷ, Ba Tơ hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng và nay công nhận 5 xã, 1 thị trấn là vùng ATK, là vinh dự rất lớn cho Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Nhưng không vì thế mà Ba Tơ tự thoả mãn với vinh quang đó, mà đòi hỏi lớp cán bộ và người dân Ba Tơ hôm nay cần phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong công việc, học tập, phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Có như thế mới xứng đáng với truyền thống và sự hy sinh to lớn của lớp cha anh và người dân Ba Tơ  cho mảnh đất này.

 

    Bá Sơn

 


.