Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6

10:10, 21/10/2013
.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Sáng nay (21/10), Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội và cũng là nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng để nhìn lại chặng đường gần ba năm qua, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác của ngành tư pháp, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, tệ nạn xã hội và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm trong năm 2014 và chặng đường còn lại của Kế hoạch 5 năm để bảo đảm thúc đẩy phát triển đất nước.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII (Ảnh:TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII (Ảnh:TTXVN)


Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung quan trọng.

Theo đó, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thu hút được sự tham gia tích cực với nhiều ý kiến tâm huyết của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài. Sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp nhiều phiên, nghiêm túc nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Quốc hội, nhân dân, các ngành, các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã dành thời gian cho ý kiến về Dự thảo và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lấy ý kiến về Dự thảo. Để việc thông qua Hiến pháp đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để tiếp tục tổ chức thảo luận dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với tinh thần lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục những vấn đề đặt ra.

Dự án Luật đất đai (sửa đổi) cũng sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp lần này. Dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của mọi người dân. Đây là một đạo luật nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân; Quốc hội đã dành 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện dự thảo Luật.

Quốc hội yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quá trình thảo luận, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xử lý thấu đáo các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, bảo đảm Quốc hội thông qua một đạo luật về đất đai đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và lòng mong mỏi của nhân dân.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2013; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015); việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án quan trọng, cấp bách.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012”; xem xét các báo cáo kết quả giám sát do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; báo cáo của Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4, thứ 5; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm; công tác thi hành án; phê chuẩn nhân sự Chính phủ, bầu nhân sự một số cơ quan của Quốc hội và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015./.



Theo Lại Thìn-Vũ Hạnh/VOV online


.