“Hậu đối thoại” ở Trà Phú

07:08, 27/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khác với cách làm ở nhiều địa phương là thông báo kết luận xử lý những kiến nghị của người dân bằng văn bản tại trụ sở UBND xã, thì Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Văn Thế lại có một cách làm hay. Đó là, tổ chức buổi “hậu đối thoại” với nhân dân một cách công khai, dân chủ và đầy trách nhiệm sau một tháng đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân xã Trà Phú.

TIN LIÊN QUAN

Nếu ở buổi đối thoại trước, người dân nói Bí thư Huyện uỷ nghe, thì lần đối thoại này các ban, ngành liên quan trả lời, người dân nghe dưới sự chủ trì của Bí thư Huyện ủy. Lĩnh vực “Đất đai và công tác bảo vệ rừng” là chủ đề chính, nhưng người dân cũng được quyền phản ánh những vấn đề về chính sách, an sinh, trật tự xã hội...

 

Lãnh đạo Phòng NN&PTNT trả lời kiến nghị của nhân dân xã Trà Phú.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT trả lời kiến nghị của nhân dân xã Trà Phú.

 

Vì lẽ đó nên có khá đông đủ các ban, ngành của huyện tham gia, gồm Công an, Thanh tra, TN&MT, Hạ tầng kinh tế, LĐ-TB&XH, Nông nghiệp... Lần lượt 17 ý kiến, phản ánh của người dân trước đó được các cơ quan thẩm quyền trả lời, trong đó có vụ phá rừng phòng hộ ở hồ chứa nước Vực Thành. Sau khi ông Võ Toại ở thôn Phú Tài, xã Trà Phú và một số người dân phản ánh có 20 hộ dân ở xã Trà Phú, Trà Bình, Trà Sơn trồng keo, cây lâm nghiệp trên khu vực quy hoạch rừng đầu nguồn của hồ chứa nước Vực Thành, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo làm rõ.
 

“Theo Quy chế đối thoại thì không yêu cầu Bí thư phải trở lại nơi đã tổ chức đối thoại, nhưng tôi nghĩ, ở cơ sở luôn phát sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp. Do đó,  ngoài mục đích trả lời những vấn đề người dân kiến nghị trước đó, tôi muốn nghe thêm mong muốn của người dân “hậu đối thoại” là gì. Cũng rất mừng là người dân đi khá đông và rất phấn khởi khi nghe các cơ quan chức năng thông báo kết quả giải quyết những kiến nghị của dân. Điều này cho thấy người dân luôn tin cán bộ, tin Đảng”
Đồng chí Hồ Văn Thế - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, nói.


“Tuy là ngày thứ 7 nhưng lãnh đạo huyện, xã vẫn về với người dân. Các vấn đề kiến nghị đã được cán bộ trả lời thấu tình đạt lý, giải tỏa được các băn khoăn trong dân bấy lâu nay. Qua đây, chúng tôi hiểu pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước nhiều hơn”
Ông Hồ Văn Long ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú chia sẻ.
 

Ngoài việc thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra thực tế, đồng chí Bí thư Huyện uỷ còn chỉ đạo UBND xã Trà Phú mời các hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ đến làm việc và thực hiện ký cam kết chấm dứt sản xuất, trả lại đất cho địa phương. Ông Nguyễn Tấn Sỹ ở đội 8, thôn Phú Tài, một trong những hộ vi phạm, tâm sự: Qua giải thích của lãnh đạo xã và huyện, tôi nhận thấy việc làm của mình là sai với quy định của pháp luật. Và tôi đã cam kết với BQL rừng phòng hộ Trà Bồng và chính quyền địa phương không tái phạm.

Vấn đề xin hỗ trợ đất sản xuất, thuê đất sản xuất cũng được chính quyền xã Trà Phú trả lời thấu đáo, giúp người dân hiểu hơn về chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước. Đó là, đất nông nghiệp đã giao cho nhân dân theo Nghị định 64/CP nên việc cấp lại đất hoặc cho thuê đất là không khả thi. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng hứa sẽ xem xét phần đất công ích để giao cho những hộ thực sự có nhu cầu để sản xuất. Riêng việc cấp sổ đỏ đất trồng rừng thuộc Chương trình Dự án WB3 của bà Đỗ Thị Phụng ở thôn Phú Tài, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện trả lời không đủ điều kiện thực hiện dự án (dưới 3.000m2)  nên không thể cấp sổ đỏ. Tuy vậy, trường hợp của bà Phụng cũng được lãnh đạo Phòng TN&MT huyện hứa sẽ nghiên cứu để chuyển qua cấp đất lâm nghiệp cho bà theo dự án khác.

Với cách làm đó, gần 70% vấn đề kiến nghị của dân đã được giải quyết dứt điểm tại buổi “hậu đối thoại”. Hầu hết người dân đến dự đều tỏ ra khá hài lòng về cách trả lời và giải quyết của cơ quan chức năng. Bà Phan Thị Thanh ở thôn Phú An cho biết: Tôi hài lòng với cách xử lý của cán bộ lãnh đạo huyện. Người dân ở đây hiểu biết về pháp luật có hạn nên suy nghĩ chưa thông suốt, nhất là trong vụ lấn chiếm đất ở hồ Vực Thành. Họ nghĩ đơn giản chỗ nào đất trống thì trồng keo thôi chứ đâu nghĩ trồng như thế là vi phạm. Nhờ buổi đối thoại và xử lý sau đối thoại mà người dân hiểu biết được nhiều hơn.

Điều này cho thấy, huyện Trà Bồng đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng “gần dân, sát dân hơn”, nhất là chủ động nắm bắt những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Bài, ảnh: THANH THUẬN

 


.