Thí điểm chủ trương Bí thư đồng thời là Chủ tịch xã: Ưu việt nhưng khó nhân rộng

03:07, 25/07/2013
.

(QNg)- Năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn 5 xã, gồm thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), xã Bình Phú (Bình Sơn), xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), xã Ba Điền (Ba Tơ) và xã Phổ An (Đức Phổ) để thực hiện thí điểm chủ trương “Đồng chí Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã".

Sau gần 5 năm thực hiện, mô hình này đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

 Hiệu quả từ mô hình “hai vai”


Gần 10 năm làm Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), năm 2009 ông Trần Phương Phụ đảm nhận thêm chức vụ Bí thư. Vừa là Bí thư Đảng ủy vừa là Chủ tịch UBND nên công việc tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã kinh qua hai khóa làm chủ tịch, cộng với một nhiệm kỳ làm bí thư trước đó và sắp xếp công việc khoa học, tôn trọng, lắng nghe sự góp ý của tập thể đã tạo được sự đoàn kết thống nhất giữa Đảng và chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội nên mọi việc đã đi vào ổn định, nền nếp.

Các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đều thực hiện đạt và vượt. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự xã hội đảm bảo, không có vụ việc nổi cộm phức tạp xảy xa. Năm 2010, 2011 thị trấn Chợ Chùa dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của huyện Nghĩa Hành và được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong năm 2012. Ba năm liên tiếp (2010 - 2012) Đảng bộ thị trấn Chợ Chùa được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Cá nhân đồng chí Trần Phương Phụ liên tục nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồng chí Phụ chia sẻ: “Thực hiện mô hình này, vai  trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền được thống nhất, thuận lợi trong mọi hoạt động; dân chủ được phát huy cao độ. Các nghị quyết đề ra được thực hiện nghiêm túc, nhanh gọn và rõ ràng, ít chồng chéo giữa nghị quyết và thực tiễn, công việc điều hành của chính quyền đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn".

Cũng theo đồng chí Phụ, hiệu lực điều hành của bí thư kiêm chủ tịch được cụ thể hơn nhiều. Sự phối hợp giữa Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ và các đoàn thể chính trị thuận lợi, nhanh hơn, thống nhất và đồng thuận cao hơn. Trước đây khi chưa thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, hằng tháng thường có đến 3 cuộc họp thì nay thực hiện cơ chế nhất thể hóa giảm còn 1 cuộc họp. Nhờ giảm họp hành nên có nhiều thời gian bám sát cơ sở để kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực tế nhiều hơn.

Còn bộc lộ nhiều hạn chế

Tuy nhiên, không phải ở đâu, ở địa phương nào, người được “chọn mặt gửi vàng” cũng có thể làm tròn hai vai. Nhất là khi năng lực tham mưu của bộ máy giúp việc ở cơ sở còn hạn chế, người bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND thường phải giải quyết nhiều công việc cụ thể của chính quyền; chủ trì sinh hoạt hội họp, bên cạnh đó tham gia nhiều cuộc họp do cấp ủy, UBND cấp trên triệu tập, một số nơi số lượng cán bộ còn thiếu. Cụ thể như xã Bình Phú (Bình Sơn) chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND xã nên việc phân công để giải quyết công việc hằng ngày, hằng tuần gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của địa phương. Mặt khác, xã nằm trong KKT Dung Quất với nhiều dự án đã và đang triển khai, khối lượng công việc phát sinh nhiều nên đối với người giữ hai chức vụ gặp nhiều khó khăn .

Đồng chí Nguyễn Văn Ba - Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết: “Đây là chủ trương mới và chưa có quy định, quy chế nên trong quá trình lãnh đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiều vụ việc dễ bị lúng túng, chưa có cơ sở phân định, nhất là khi nào phải vào vai Bí thư Đảng ủy, khi nào nhập cuộc Chủ tịch UBND xã; cuộc họp nào phân cấp cho Phó Bí thư trực Đảng, cuộc họp nào giao Phó Chủ tịch UBND xã chủ trì, hội nghị nào bản thân phải trực tiếp dự và kết luận… Mặt khác, thời gian hội họp của hai khối quá nhiều. Nếu giải quyết công việc của khối Nhà nước thì thời gian giải quyết công tác Đảng, xây dựng đoàn thể cũng như công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy bị hạn chế, làm giảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng và ngược lại. Với những khó khăn trên, xã cũng kiến nghị cho dừng thí điểm nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch, vì thực tế triển khai khó hiệu quả trong điều kiện thực tế hiện nay.

Việc thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã là vấn đề mới nên trong quá trình lãnh đạo điều hành, tổ chức thực hiện cũng còn nhiều mặt hạn chế. Nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra phải giải quyết, nhất là khâu lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ đến việc xây dựng hệ thống văn bản quy định nhằm tạo sự thống nhất cao trong thực hiện. Do đó, tỉnh ta cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn để có định hướng chỉ đạo nên hay không nên triển khai mô hình này ra diện rộng.


Thanh Thuận
 


.