Nói mà không làm, dân sẽ mất niềm tin

11:07, 24/07/2013
.

(QNg)- Ông Đinh Nguyễn Trân- Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Dung (Sơn Tây) quả quyết như vậy khi làm việc với chúng tôi. Ông nói: "Đồng bào mình còn nghèo nhưng được cái là, một lòng một dạ tin và theo Đảng. Vì thế, cứ cán bộ nói là dân nghe và làm theo. Và nếu cán bộ nói mà không làm, hoặc làm không đúng với lời nói thì đồng bào sẽ không tin, không làm theo. Mà một khi không tin thì khó vận động được họ...".

TIN LIÊN QUAN


Xã Sơn Dung có hơn 60% hộ dân là người đồng bào Ca Dong, trình độ dân trí và đời sống kinh tế còn thấp. Được sự quan tâm của Đảng, những năm qua việc triển khai xây dựng các công trình lớn trên địa bàn đã giúp người dân từng bước vươn lên trong cuộc sống. Nhưng rồi cũng chính từ những công trình, dự án này đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp gây bức xúc trong dân.

Đặt lợi ích của dân lên đầu

Ông Đinh Nguyễn Trân kể: Khi Dự án thủy điện Đăkdrinh được triển khai, một số người lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào để dụ dỗ họ bán  đất nằm trong diện được đền bù với giá rẻ. Có trường hợp còn mua cả suất chuyển đổi nghề nghiệp của người dân với số tiền chỉ bằng 1/10 so với thực tế nhận hoặc xúi giục người dân xây dựng nhà trái phép chờ đền bù sau đó chia đôi…Và người dân đã làm theo, cương quyết không chịu tháo nhà làm trái phép. "Từ thực trạng đó, Thường vụ Đảng uỷ xã chỉ đạo UBND xã và các đoàn thể vận động dân để giải quyết dứt điểm, nhưng vụ việc vẫn không đến hồi kết. Do đó, tôi quyết định xuống tận khu dân cư họp để nghe bà con giãi bày và kết quả đạt được ngoài mong muốn"- ông Trân cho biết.

 

 Ông Trân trong một lần xuống dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân.
Ông Trân trong một lần xuống dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân.



Qua buổi đối thoại với dân, Thường trực Đảng uỷ xã đã chỉ đạo Công an xã phối hợp với Công an huyện tiến hành xác minh và đã thu lại trên 1,6 tỷ đồng trả lại cho dân. Nhờ đó, đến nay đã có 43/66 hộ tự dỡ bỏ nhà cửa di dời về khu TĐC; 19 hộ không thuộc diện di dời nhưng nằm trong vùng nguy hiểm cũng viết đơn tình nguyện xin được đi. Ngoài ra, những thắc mắc về chính sách hộ nghèo và các chế độ khác đã được lãnh đạo xã giải thích tận tình, nên người dân không còn khiếu nại, khiếu kiện và đã từng bước xoá đi ý nghĩ mong được làm hộ nghèo.
 

“Bên cạnh những việc dân kiến nghị được đồng chí Bí thư giải quyết dứt điểm thì cũng còn không ít việc chưa làm xong. Cụ thể là, nhà thầu thi công tuyến đường dẫn về khu tái định cư Nước Lang thuộc dự án thủy điện Đăk Rinh, xâm phạm vào diện tích cây keo, quế của gia đình, tôi đã báo cáo sự việc lên chính quyền nhưng đến nay chưa được giải quyết. Ngoài ra, cùng là đất lâm nghiệp nhưng hộ thì được nhận đền bù 7.000 nghìn đồng/m2, người thì nhận 19.000 đồng/m2 là sao?” - Anh Đinh Văn Thái, thôn Nước Lang, xã Sơn Dung, nói.

Gần dân lợi lắm!

Từ nhiều năm qua, Đảng uỷ xã Sơn Dung luôn chú trọng đến công tác tiếp xúc, trao đổi, cũng như thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề liên quan để giải quyết cho người dân. Mới đây, nghe tin người dân thôn Nước Lang đua nhau sắm xe mới, ăn nhậu không chịu lên rẫy sau khi nhận được tiền đền bù, ông Trân đã đến từng nhà để tìm hiểu. Câu đầu tiên ông Trân nói với những gia đình này là: “Giữ tiền để nuôi con ăn học. Có học mới có thể làm ra tiền”. Rồi sau đó ông Trân tận tình chỉ dẫn người dân sử dụng đồng tiền đó như thế nào cho hiệu quả.  “May mắn tôi là người đồng bào nên hiểu gần như toàn bộ phong tục, tập quán của người dân. Hiểu đồng bào mình cần gì, muốn gì. Cán bộ mà gần dân, sống trong dân chỉ có lợi mà thôi” – ông Trân chia sẻ.

Với những thành công bước đầu trong thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Dung với nhân dân, đồng chí Đinh Kà Để- Bí thư Huyện uỷ Sơn Tây, phấn khởi cho biết: “Không phải cán bộ nào cũng làm được như đồng chí Trân nên huyện rất ghi nhận và biểu dương. Huyện uỷ coi đây là một điển hình trong thực hiện Quy chế đối thoại để các Đảng uỷ xã trong huyện thực hiện”.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


.