Tiền lương khu vực tư chỉ đáp ứng 60% nhu cầu sống tối thiểu

02:05, 30/05/2013
.

Lương của cán bộ bán chuyên trách cấp thôn, xã quá thấp, không phù hợp với đời sống thực tế hiện nay.

Theo tổng hợp ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch  phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013 cho thấy: Thực tế chất lượng nguồn nhân lực đang rất báo động nhưng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ. Công tác đào tạo lao động nông nghiệp, nông thôn không hiệu quả vì đào tạo nghề cho người nông dân chỉ để nâng cao tay nghề chứ không phải để giải quyết việc làm mới.

Lao động giản đơn chiếm tỷ lệ cao, lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp. Công tác quản lý lao động tự do tại các tỉnh biên giới còn lỏng lẻo. Các doanh nghiệp môi giới chưa thực hiện đúng trách nhiệm đối với người lao động.

Chế độ tiền lương còn nhiều bất cập

Chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã chưa tương xứng với trách nhiệm công việc. Lương của cán bộ bán chuyên trách cấp thôn, xã quá thấp, không phù hợp với đời sống thực tế hiện nay. Tiền lương của người lao động ở khu vực tư chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Chế độ tiền lương còn nhiều bất cập do thiếu tính quy hoạch. Phụ cấp cho những đối tượng thuộc các khu vực khó khăn, những đối tượng về nghỉ hưu từ năm 1993 về trước đã gây bất bình trong dư luận.

Tình trạng thất nghiệp chưa được cải thiện. Số lượng lao động mất việc làm không được thống kê đầy đủ, chính xác. Chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề có nhiều nội dung không hợp lý, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ chưa được cải thiện, nhiều bộ, ngành đầu tư dàn trải, các trung tâm dạy nghề hoạt động không hiệu quả gây lãng phí ngân sách.

 

  Tiền lương cho người lao động ở khu vực tư nhân hiện không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu (Ảnh: VnEconomy)
Tiền lương cho người lao động ở khu vực tư nhân hiện không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu (Ảnh: VnEconomy)



Hiện nay, nhiều cơ sở dạy nghề ở nông thôn có cơ sở vật chất nhưng lại thiếu giáo viên. Thực trạng về tình hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm khá khó khăn, nhiều sinh viên ra trường không được bố trí việc làm. Công tác đào tạo nghề đã có nhiều chính sách cụ thể cho nhiều đối tượng nhưng triển khai chưa hiệu quả, chưa đúng đối tượng, không đáp ứng chất lượng, nhu cầu lực lượng lao động.

Các chỉ tiêu tạo việc làm, lao động qua đào tạo còn chưa bền vững, cần đánh giá, xây dựng lại các chỉ tiêu này cho chính xác, khoa học, sát với tình hình thực tế. Tỷ lệ thất nghiệp theo báo cáo giảm so với kế hoạch đặt ra nhưng số liệu trên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Cần giải thích sự mâu thuẫn giữa việc doanh nghiệp giải thể tăng và chỉ tiêu tạo việc làm gần đạt. Chính phủ chưa có phân tích, đánh giá cụ thể về những chỉ tiêu đạt được, chưa đạt và nguyên nhân thực hiện. Chỉ tiêu giải quyết việc làm mặc dù tăng nhưng đời sống người lao động vẫn chưa được đảm bảo.

Giáo dục chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Trong báo cáo của đại biểu Quốc hội còn đánh giá về giáo dục, đào tạo còn sơ sài, chưa sát tình hình. Chính phủ chưa có cách nhìn tổng thể về giáo dục nên cơ cấu ngành học rất mất cân đối; chưa có giải pháp đột phá trong phát triển giáo dục, đào tạo; chưa quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp trong công tác đào tạo nên vấn đề giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp rất khó khăn. Một số đại biểu nhận xét chất lượng đào tạo thấp; giáo dục trình độ cao còn yếu kém. Có ý kiến đề nghị tính toán hợp lý giữa đầu tư cơ sở vật chất với đầu tư phát triển nhân lực trong ngành này.

Tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi vẫn chưa được khắc phục, nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; nhiều địa phương chưa có lớp học kiên cố. Đề nghị có giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu chi hiệu quả và kịp thời (năm 2012 kinh phí giải ngân cho giáo dục chỉ đạt 90%, việc tiết kiệm chi 10% gây khó khăn cho ngành giáo dục vì không đủ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ chi).

Tình trạng “lãng phí tri thức” rất đáng lưu tâm và đặt ra yêu cầu phải có quy hoạch giáo dục, sử dụng nhân lực, có kế hoạch đào tạo, tránh lãng phí nguồn lực của người dân và xã hội. Cần sớm thiết lập kênh thông tin hữu hiệu cho người học tiếp cận, kịp thời tìm hiểu và lựa chọn hợp lý. Có đại biểu nhấn mạnh chương trình giáo dục đào tạo hiện nay không còn phù hợp; cải cách giáo dục còn nhiều hạn chế, đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp; đề nghị giảm thời gian giáo dục phổ thông còn 10 năm để 2 năm tiếp theo đào tạo hướng nghiệp. Có ý kiến đề nghị tăng lương cho ngành giáo dục.

Một số đại biểu cho rằng, trong xã hội đang có tình trạng tập trung nhu cầu học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập vì chi phí rẻ, do đó, cần có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, tránh hiện tượng để nguồn tiền chảy ra nước ngoài.

Có ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng giáo dục quốc gia, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và Ủy ban quốc gia về trẻ em. Hiện nay chủ trương phân luồng giáo dục đã có nhưng không được đánh giá; giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp “có vấn đề”, không đạt chất lượng. Trách nhiệm đối với ngành giáo dục chưa cao; việc đánh giá chất lượng đào tạo phổ thông, đại học còn chung chung, thiếu tính đồng bộ. Đề nghị cơ cấu lại ngành giáo dục, cải cách chương trình giáo dục do hiện nay giáo dục chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Về giáo dục mầm non, một số đại biểu cho rằng, Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 đang được triển khai tốt, nhưng cũng có ý kiến đánh giá khả năng hoàn thành Đề án chưa đồng bộ ở các địa phương, chưa có cái nhìn toàn diện ở các vùng miền. Chế độ cho giáo viên mầm non chưa phù hợp, quá thấp so với thời gian và tính chất lao động, dẫn đến hiện trạng tuy không thiếu giáo viên nhưng lực lượng giảng dạy kém bền vững. Đề nghị có sự hỗ trợ kịp thời cho những cơ sở khó khăn khi sơ kết 3 năm thực hiện Đề án; có chính sách lương, bảo hiểm xã hội cho đội ngũ bảo mẫu tại các cơ sở giáo dục mầm non. Đề án hoàn thành năm 2015 nhưng hiện mới đạt 30%, vì vậy đề nghị Chính phủ có biện pháp mạnh hơn để đạt hiệu quả cao.

Có đại biểu nhận xét các hoạt động văn hóa hình thành nhân cách cho trẻ hiện nay thiếu sự quan tâm của các bộ, ngành; nhiều địa phương chưa có nhà văn hóa thiếu nhi. Đây là vấn đề cần có chỉ đạo đồng bộ từ trung ương, cần xác định chăm sóc, giáo dục trẻ em phải có chỉ đạo cụ thể, phải tạo môi trường văn hóa phù hợp cho trẻ.

Về giáo dục phổ thông, có ý kiến đề nghị xem xét lại cơ chế, chính sách trong quản lý, đầu tư các trường điểm, trường chuyên, vì hiện đang gây phức tạp thêm cho công tác tuyển sinh, nhất là tuyển sinh đầu cấp.

Nhiều đại biểu cho rằng, sách giáo khoa phổ thông còn nhiều bất cập, chưa có đánh giá toàn diện, sâu sắc; chậm được đổi mới; nhiều nội dung sử dụng từ ngữ hàn lâm, thiếu tính thực tiễn, chưa cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”. Đề nghị tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống sách giáo khoa hiện hành và xây dựng chương trình sách giáo khoa mới trên cơ sở sự thẩm định thận trọng; Chính phủ phải có kiểm điểm chi tiết, đưa ra giải pháp cụ thể. Có ý kiến đề nghị lồng ghép môn học tự nhiên – xã hội với môn tiếng Việt; cải tiến chương trình học môn ngoại ngữ cho tiểu học ở miền núi. Khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của công tác này, có đại biểu kiến nghị Quốc hội ra nghị quyết về giáo dục phổ thông.

Một số ý kiến đề nghị xem xét hỗ trợ phụ cấp giảng dạy cho người quản lý trong ngành giáo dục.

Có ý kiến cũng cho rằng, chính sách đưa giáo viên trẻ về miền núi đã biến miền núi thành nơi thực tập cho giáo viên mới ra trường, do đó chất lượng giảng dạy chưa bảo đảm. Trong giáo dục vẫn tồn tại căn bệnh thành tích; chương trình học quá nặng; chưa giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm.

Cần siết chặt lại giáo dục Đại học

Về giáo dục đại học, một số đại biểu đề nghị đánh giá lại việc thành lập tràn lan các trường đại học gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Cần nghiêm túc tiến hành nghiên cứu, xem xét, đánh giá lại hệ thống cơ sở đào tạo đại học và kiên quyết sắp xếp lại các trường đại học hoạt động kém hiệu quả. Một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo cả hệ cao đẳng do không tuyển sinh đủ số lượng đào tạo đại học, gây ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo cao đẳng khác. Chủ trương của Nhà nước là phù hợp nhưng các cơ sở thực hiện không đúng, thành lập và hoạt động chưa đúng hướng.

Công tác tuyển sinh đại học ngày càng nặng nề, gây bức xúc cho phụ huynh, gây áp lực cho người học. Vì vậy, cần xây dựng lộ trình giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho cơ sở đào tạo; tổ chức trung tâm khảo thí tại 3 miền. Hoạt động giảng dạy trong các trường đại học còn bất cập, không bố trí người dạy chất lượng cao (giáo sư, tiến sĩ…) giảng cho đối tượng sinh viên chính quy, mà tập trung nhân lực cho các hình thức đào tạo tại chức và sau đại học là bất hợp lý.

Về đào tạo nghề, có ý kiến nhận xét Báo cáo chưa đề cập trực diện trong khi thực tế chất lượng nguồn nhân lực hiện nay rất đáng báo động nhưng thiếu sự quan tâm, đánh giá khách quan. Chưa có giải pháp thống nhất quản lý các trường đào tạo nghề, không có điều phối về quản lý ngành; cơ quan quản lý phân tán; sử dụng kinh phí đầu tư không phát huy được hiệu quả. Nhiều đại biểu nhận định hiện chưa giải quyết hiệu quả và thiết lập mối quan hệ bền vững giữa đào tạo và bố trí việc làm; đào tạo ngành nghề chưa phù hợp với nhu cầu của xã hội, cơ sở vật chất xây dựng tràn lan nhưng không tương xứng với số lượng người học, gây lãng phí../.

 


Theo Bích Lan/VOV online


.