Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:
Học Bác từ những việc làm bình dị nhất- Kỳ 2: Nặng lòng với biển cả

08:05, 30/05/2013
.

(QNg)- Ông đi biển từ lúc 15 tuổi. Biển giả bấp bênh, cực nhọc ông lên bờ kiếm sống bằng nghề may. Nhưng tình yêu biển đã níu chân ông quay trở lại. Từ cái xưởng làm lưới đánh cá nhỏ bé kiếm tiền nuôi vợ con, nay đã trở nên bề thế bậc nhất trong vùng. Và từ một ngư phủ nghèo ông trở thành một đại gia xứ biển.

TIN LIÊN QUAN


Người đàn ông đó là Đinh Văn Phục (SN 1966), quê xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), là một trong những tấm gương điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”.

Từ giã biển khơi

Cuối tháng 5, nắng như đổ lửa. Những con sóng từ biển dội vào bờ cát như muốn “liếm” lấy cái xưởng lưới nằm bên chân sóng. Ngồi trước hiên nhà, ông Phục quay ngược thời gian đưa tôi về những năm đầu của thập kỷ 80, thế kỷ trước: “Ngày đó, cái xã này như ốc đảo. Muốn sang đất liền phải “gọi đò ơi”. Kinh tế nghèo nàn, đói khát, trẻ thất học… Tôi học đến lớp 9, thấy nhà nghèo, ba đi biển chẳng nuôi nổi gia đình, tôi lén bỏ học đi biển. Chuyến ra khơi đầu tiên đó đã ám ảnh cả cuộc đời tôi và cũng chính cái lần đầu tiên ấy sức hút mãnh liệt của biển đã níu tôi quay trở lại với biển dù đã từng giã từ biển” – ông Phục kể.

Ông Phục tận tình hướng dẫn những người mới học nghề
Ông Phục tận tình hướng dẫn những người mới học nghề


Ông bảo, biển đã ăn sâu vào máu thịt ông. Thời đó, đi biển chỉ quanh quẩn gần bờ, có chuyến đi xa thì cũng vài chục hải lý là cùng, biển như cái túi đầy cá, nhưng cũng chứa đựng quá nhiều rủi ro. Hình ảnh những ngư dân có đi mà không thấy về đã ám ảnh cuộc đời nhiều ngư phủ trong đó có ông. “Không phải tôi sợ chết mà tôi thấy cái cơ cực, cái cách làm biển của mình nó không hiệu quả nên tôi lên bờ – ông Phục nói.

Những tháng ngày lang bạt mưu sinh xứ người bữa đói, bữa no và trong một lần dạt về vùng biển Vũng Tàu tìm việc, vị mặn của những cơn gió biển làm lòng ông cồn cào nhớ biển quê nhà. Từ một thợ may quần áo công nghiệp ông xin vào đan lưới. Sau đó xin nghỉ việc trở về quê hương.

Tìm về với biển cả

Trở về quê nhà, ông lập gia đình và suy nghĩ phải làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng nghề may lưới. Thế là, ông Phục bắt đầu những tháng ngày “ăn lưới ngủ lưới”. Hết lưới lại chạy sang xem con tàu đóng ra sao. "Ngày đó, nghiền ngẫm mãi tôi mới nhớ lại lời của một ông chủ ghe trong Vũng Tàu là muốn đánh cá lớn làm giàu thì phải sắm ghe lớn, lưới lớn, khi chúng đồng bộ thì mới đánh đâu thắng đó. Tôi bàn với vợ vay vốn đóng một con tàu quyết tâm trở lại với biển. Ngày đó, con tàu 52CV là niềm mơ ước của hàng trăm ngư dân xứ biển được  hạ thủy cũng là lúc tôi cho ra đời những tay lưới đúng nghĩa làm ăn lớn. Chuyến biển đó đã mang lại cho tôi niềm vui khôn tả” – ông Phục nhớ lại.

Dần dà, ông trở thành “con rái cá” trên biển Đông và người dân xứ biển tôn ông là “anh cả” trong nghề. Thế rồi cái tính “ngang ngược” trong ông lại trỗi dậy, ông từ giã biển lần nữa, nhưng không phải bỏ luôn mà ông vẫn dành cho biển một tình yêu vô bờ bến. Ông tập trung vào nghề sản xuất lưới. “Nói tôi bỏ biển cũng không sai. Nhưng 12 năm trước cái nghề đan lưới nó hút tôi dữ quá. Lưới sản xuất ra không đủ bán, mà mình mải đi biển thì bạn hàng không yên tâm. Vì thế, tôi nhường con tàu lại cho người thân và gắn bó cuộc đời với nghề lưới từ đây, bởi có tàu lớn mà lưới đánh bắt thô sơ thì khó lòng bám biển được. Tôi thật sự thấm thía với lời dạy của Bác: Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó. Hay như, biển bạc của ta do dân ta làm chủ” – ông Phục tâm sự.

Tấm lòng nghĩa hiệp

Cái xưởng làm lưới ấy cứ lớn lên từng ngày, nhân công tăng theo từng năm. Cánh phụ nữ xứ biển lâu nay sống nhờ vào những chuyến ra khơi của chồng, con trai. Nhưng từ ngày xưởng lưới của ông Phục ra đời, nhiều phụ nữ đã có công ăn việc làm ổn định. Xưởng rộng gần 1.000 m2, hàng năm tạo việc làm cho 40 - 55 lao động, với mức lương trung bình từ 2,5- 4,5 triệu đồng/người/tháng. “Nhờ có xưởng đan lưới của anh Phục mà tôi có việc làm, cùng chồng lo cho con ăn học” – chị Lê Thị Phượng, thôn Phổ Trường tâm sự.

Hằng năm, ông Phục cùng vợ con tổ chức nhiều chương trình từ thiện giúp đỡ người nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Sáu năm qua ông đã trở thành kênh từ thiện của xã Nghĩa An, mỗi năm ông bỏ tiền túi mua từ 2- 3 tấn gạo phát cho bà con nghèo ở địa phương đỏ lửa trong dịp Tết đến Xuân về hay những lúc gặp hoạn nạn, khó khăn. “Ngày trước, đồng bào mình nghèo nhưng vẫn nhường cơm cho chiến sĩ... Còn nay, việc làm đó của tôi là bình thường. Bác Hồ đã từng khuyên dạy: Thương người như thể thương thân" - ông Phục tâm sự.


Cảm phục trước những việc làm của ông Phục, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, ông Đỗ Ngọc Tây nói: "Ông ấy có tấm lòng đôn hậu, luôn hướng về người nghèo, những hoàn cảnh gặp hoạn nạn, khó khăn để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống”.


Bài, ảnh: TRẦN LÊ ĐỨC

*Kỳ 3: Học Bác từ sự tận tâm với công việc
 


.