7 hội nghị lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 1992

09:01, 04/01/2013
.

Từ nay đến tháng 3/2013, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức 7 hội nghị để lấy ý kiến nhân dân, trong đó có hội nghị dành riêng cho đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hội nghị cho các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, đề nghị 46 tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Sáng 3/1, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 


Theo kế hoạch 317/ KH-MTTQ-BTT của Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha trình bày, nội dung lấy ý kiến về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Trong đó tập trung góp ý sâu vào các nội dung về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Theo đó hình thức lấy ý kiến được tổ chức chủ yếu theo hội nghị, hội thảo do Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam quyết định phù hợp với nội dung các góp ý và đối tượng tham gia. Ngoài ra Ban Thường trực UB TƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp bằng văn bản của các tầng lớp nhân dân để tổng hợp chung.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh việc Mặt trận tổ chức Hội nghị về việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là thể hiện trách nhiệm, tình cảm quyết tâm vai trò của Mặt trận trước sự kiện chính trị đặc biệt của đất nước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn dân phải đạt mục đích phát huy quyền làm chủ, nêu cao ý thức trách nhiệm đóng góp tâm huyết vào sửa đổi Hiến pháp 1992 qua đó khẳng định chế độ, nhà nước ta là của dân do dân vì dân, phản ánh ý nguyện của toàn dân. Ông cũng nhấn mạnh, phải tạo mọi điều kiện để nhân dân được đóng góp ý kiến, nâng cao nhận thức của mỗi tổ chức, cá nhân để thể hiện ý chí nguyện vọng của mình đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đảm bảo toàn dân được tham gia, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài.



Lam Nguyên/VnMedia


.