Luật Đất đai cần tính đến đặc thù dân tộc thiểu số

08:11, 20/11/2012
.

Luật nên có quy định nhằm tránh việc người dân được giao đất lại chuyển nhượng dẫn đến mất đất sản xuất.

Phát biểu tại hội trường ngày 19/11, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh, các chính sách phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc thiểu số. Chính sách đất đai đóng vai trò quan trọng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì đồng bào dân tộc thiểu số đều sinh sống bằng nghề nông, tư liệu sản xuất chính là đất đai.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã đề cập đến tính đặc thù trong dân tộc thiểu số nhưng vẫn còn một số đặc thù chưa được đề cập cụ thể như vấn đề điều kiện mua bán đất đai trong đồng bào dân tộc thiểu số, về nhiệm vụ, quyền hạn đối với đất cộng đồng.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với người sở hữu đất tại Điều 28, Khoản c, đại biểu đồng tình với quy định Nhà nước có chính sách tạo điều kiện về đất sản xuất doanh nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn mà không có đất hoặc thiếu đất sản xuất vì đây là quy định có tính nguyên tắc về bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số trên lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, quy định trên chưa đầy đủ, còn thiếu đất ở, do đó đại biểu đề nghị bổ sung "đất ở" vào trước cụm từ "đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số".

Nhằm khắc phục tình trạng mua bán trái pháp luật về đất ở, đất nông nghiệp và lợi dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đại biểu Danh Út cho rằng Luật nên có một số quy định nhằm tránh việc người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đã được giao đất sản xuất sau đó lại chuyển nhượng dẫn đến tình trạng mất đất sản xuất.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 11: Nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số đối với những loại đất thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như giao đất không thu tiền chỉ được mua bán, chuyển đổi, tặng, cho khi được chính quyền có thẩm quyền cho phép và xin đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể để tránh tùy tiện trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tại Khoản d, Điều 96 dự thảo quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công, hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đại biểu Danh Út cho rằng quy định chưa đầy đủ và đề nghị bổ sung đối tượng hộ cận nghèo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Về các quyền sử dụng đất của cộng đồng, đại biểu Danh Út cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) nên tạo khung pháp lý rõ ràng bằng quy định rõ các tiêu chí công nhận quyền sử dụng đất của cộng đồng theo tập tục đối với đất ở, đất rừng, đất chưa sử dụng; Tăng cường hơn nữa việc giao đất cho cộng đồng quản lý, có như vậy mới hạn chế việc mua bán đất trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất

Đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh thêm, 90% lao động người dân tộc thiểu số sống bằng nghề nông nên đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng.

Theo đại biểu, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững thì chính sách đất đai cần tuân thủ các quan điểm như đảo đảm bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng đất, tôn trọng giá trị truyền thống và đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ hội cho các nhóm dân tộc thiểu số thích nghi và hưởng lợi từ cơ chế thị trường.

Đại biểu cũng cho rằng, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, số đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất là khá lớn (558.485 hộ) nhưng với quyết tâm cao, trong thời gian 10 năm từ 2002-2011, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 333.995 hộ. Kết quả này là tiền đề quan trọng, căn bản bảo đảm cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo ổn định cuộc sống và sản xuất, an tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên cương của Tổ quốc.

Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Touneh Drong Minh Thắm kiến nghị cần khuyến khích giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất sinh hoạt của cộng đồng, đất tôn giáo văn hóa cho cộng đồng dân tộc thiểu số quản lý và sử dụng. Thu hồi đất nông, lâm nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả để giao cho các hộ gia đình và cộng đồng dân tộc thiểu số có nhu cầu và khả năng sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Đại biểu cũng đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất ở, đất sản xuất, tiền thuê đất nông nghiệp cho hộ nghèo và cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Bảo đảm hoàn thiện việc đo đạc lập bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian sớm nhất. Miễn giảm lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ dân tộc thiểu số. Thành lập tổ chức hỗ trợ pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số trong những trường hợp tranh chấp đất đai.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), đại biểu Touneh Drong Minh Thắm đề nghị cần bổ sung các quy định nghiêm cấm việc đầu cơ mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Đối với các loại đất thuộc diện được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước như giao đất không thu tiền, đại biểu Touneh Drong Minh Thắm đề nghị chỉ được mua bán, chuyển đổi, tặng, cho, khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép; Nên quy định rõ việc mua, nhận, chuyển nhượng đất do Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số là trái pháp luật sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định. Điều này giao Chính phủ có quy định riêng.

Về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Điều 28 và Điều 96, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể các biện pháp để thực hiện chính sách này./.



Theo Ngọc Thành/VOV online


.