Đại biểu Quốc hội kiên quyết với tham nhũng

04:11, 09/11/2012
.

Sáng 9/11, nghị trường Quốc hội “nóng” lên khi thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) khi các đại biểu đăng đàn đều đề nghị phải xử lý nghiêm minh tham nhũng.
 

Đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đề cập thẳng thắn vào những bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) kiến nghị, trong dự thảo sửa đổi Luật lần này cần thiết phải đưa hành vi “cố ý làm trái” là hành vi tham nhũng. Theo đại biểu này, nếu con tàu giá chỉ 100 tỷ đồng nhưng cố ý mua lên 200 tỷ đồng để trục lợi mà chỉ xử tội "cố ý làm trái" là không thoả đáng, không răn đe được tội phạm tham nhũng, không thuyết phục được nhân dân.

“Truy” đến cùng hành vi tham nhũng

Theo đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị phải tuyên chiến với tham nhũng, thậm chí coi như tội phản quốc, nên kiên quyết không thể xử treo, không giảm án tha tù với loại tội phạm này.

Về công khai minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nếu tài sản của người đó mà không kê khai giải trình được thì tịch thu, sung công quỹ. Việc kê khai tài sản thì phải công khai ở nơi cư trú và nơi công tác để nhân dân biết, giám sát.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là vấn đề mấu chốt trong phòng, chống tham nhũng, nếu không thì việc kê khai cũng chỉ là hình thức. Do đó, phải quy định cụ thể việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Bên cạnh đó, cần lập cơ quan điều tra độc lập, tinh nhuệ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương thuộc Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư, có cơ chế và nguồn lực riêng với những cán bộ điều tra có phẩm chất ưu tú để xử lý các vụ án tham nhũng.

Nhằm “truy” đến cùng hành vi tham nhũng, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng cần đưa cả hành vi "cố ý hoặc vô ý ban hành chủ trương, chính sách sai để xảy ra tham nhũng" cũng là tội tham nhũng. Trường hợp, nếu cán bộ ban hành chính sách sai do năng lực trình độ yếu kém thì phải truy cứu người đã bổ nhiệm cán bộ đó.

Cho rằng dự thảo Luật sửa đổi lần này chưa quan tâm đến các biện pháp giáo dục phòng, chống tham nhũng một cách toàn diện, đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị cần “giáo dục liêm chính” cho tất cả các đối tượng, coi đây là biện pháp nâng cao ý thức phòng ngừa tham nhũng của mỗi người.

Không đồng tình với một số ý kiến cho rằng chỉ nên công khai tài sản ở nơi làm việc, đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) đặt lại vấn đề, nếu không công khai nơi cư trú cho nhân dân biết thì nhân dân không giám sát, kiểm tra được.

Cũng tập trung phân tích về “hành vi tham nhũng” trong dự thảo Luật sửa đổi, đại biểu Vũ Xuân Trường (tỉnh Nam Định) kiến nghị, các hành vi tham nhũng phải được quy định thống nhất với các luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… thì mới xử lý được toàn diện các hành vi tham nhũng trong xã hội một cách triệt để, nhất quán.

Bên cạnh đó theo đại biểu này, trong 12 hành vi tham nhũng mà dự thảo Luật sửa đổi đưa ra, hầu hết đều gắn với điều kiện “vì vụ lợi”, như vậy thì rất khó xử lý hình sự, bởi không phải cái gì cũng “vì vụ lợi” mới tham nhũng, như hành vi “đưa hối lộ” không có yếu tố “vì vụ lợi” cũng vẫn xử lý hình sự được.

Đại biểu này còn nhấn mạnh một trong những “điểm nghẽn” của công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng là các kết luận của Thanh tra, Kiểm toán chưa được thực thi nghiêm minh và chưa được gửi đến Cơ quan phòng, chống tham nhũng biết để theo dõi, chỉ đạo.

“Mài cho sắc” ngòi bút của lực lượng báo chí

Đồng tình với đại biểu Vũ Xuân Trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, phải xem xét trách nhiệm của ngành Thanh tra và Kiểm toán trong trường hợp không phát hiện tham nhũng sau khi làm việc, nhưng sau đó Cơ quan điều tra phát hiện được tham nhũng .

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, phải bổ sung quan điểm chống tham nhũng phải dựa vào dân, càng công khai càng tốt. Việc kê khai tài sản phải mở rộng đến cán bộ, đảng viên, công bố ở cơ quan và nơi cư trú. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của báo chí.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), hơn 7 năm có “thượng phương bảo kiếm” là Luật Phòng, chống tham nhũng với hy vọng lớn của nhân dân là để dẹp tan tham nhũng, nhưng đến nay tham nhũng vẫn tràn lan. Như vậy Luật hiện hành đã chưa có hiệu quả. Luật chưa có hiệu quả cũng có trách nhiệm của Quốc hội khi “bấm nút” thông qua năm 2005 mà chưa dự liệu hết tình hình và tính khả thi của luật trong cuộc sống.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng không thể thiếu vai trò của cơ quan báo chí. Cần “mài cho sắc” mũi nhọn này chứ không “làm cho cùn” đi vì một số quy định của dự thảo luật đã ràng buộc cơ quan báo chí trong các thông tin về chống tham nhũng.

Nếu quy định như vậy sẽ làm cho các nhà báo, cơ quan báo chí né tránh, quay lưng lại với công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, mà thời gian qua báo chí đã chứng minh vai trò và sức mạnh của mình.

Trung tướng Trần Văn Độ, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, nhấn mạnh đến các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và phát hiện tham nhũng; không đồng tình với quy định về tình tiết giảm nhẹ được đưa vào dự thảo Luật đối với tội tham nhũng.

Mặt khác, đại biểu Trần Văn Độ tha thiết đề nghị lập thêm một Cơ quan độc lập về phòng, chống tham nhũng, ngoài Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Các cơ quan độc lập này ở địa phương thì không chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương thì công cuộc chống tham nhũng mới phát huy hiệu quả thiết thực.

Dự kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp này.



Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn


.