Dự án Luật Thủ đô đã thể hiện được những đặc thù của Thủ đô Hà Nội

03:10, 28/10/2012
.

Chiều 27/10, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết phải thông qua luật cũng như đánh giá cao quá trình tiếp thu, xây dựng dự luật trên cơ sở góp ý của các đại biểu tại các kỳ họp trước.

Tại tổ Hà Nội, các đại biểu đều đồng tình viẹc thông qua dự án Luật Thủ đô tại kỳ họp này. Các đại biểu ủng hộ sự cần thiết phải trao cho Thủ đô những quy chế đặc thù riêng để Hà Nội có thể phát triển và làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình là một trung tâm chính trị hành chính của cả nước.

Theo đại biểu Nguyễn Bắc Son, Hà Nội là thủ đô của cả nước, Hà Nội gánh trên mình trách nhiệm chính trị rất lớn mà không địa phương nào có thể thay thế được, vì vậy, Hà Nội phải được trao những điều kiện để xứng đáng là thủ đô của cả nước. Hà Nội đã có Pháp lệnh Thủ đô và việc nâng cấp Pháp lệnh Thủ đô lên thành luật là điều đương nhiên trong tiến trình xây dựng luật pháp.

Đại biểu Đào Trọng Thi cũng nhất trí, phải trao cho Hà Nội các quy định mang đặc thù riêng thì mới gọi là Luật Thủ đô, nếu không trong các luật hiện hành cũng có cả rồi.

Làm rõ hơn về sự cần thiết của Hà Nội về các cơ chế, chính sách đặc thù, đại biểu Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, Thủ đô của mỗi nước chỉ có một, dù sắp tới đây chúng ta có sửa đổi Hiến pháp hay xây dựng Luật Đô thị thì những bộ luật này cũng không thể nào bao chứa hết được những nội dung cần thiết cho Thủ đô với vai trò là trrung tâm chính trị hành chính quốc gia.

"Hà Nội cần có quy định riêng vì Hà Nội khác những nơi khác, Hà Nội là thủ đô, là nơi đặt trụ sở của Đảng, chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan ngoại giao, là nơi diễn ra các hoạt động chính trị lớn của cả nước và quốc tế. Nếu được thông qua, Luật Thủ đô cũng không hề vi hiến vì chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước, bản thân những luật đã thông qua vẫn được rà soát điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Hơn nữa, luật do Quốc hội thông qua thì hoàn toàn hợp hiến”, đại biểu Nghị nói.
 



Vấn đề cơ chế tài chính, quản lý nhập cư vào nội thành, áp dụng mức thu phí cao hơn với các phương tiện vào nội đô và mức xử phạt cao hơn cả nước trong các lĩnh vực đất đai, văn hoá, xây dựng thu hút sự quan tâm góp ý của nhiều đại biểu.

Nhiều các đại biểu ủng hộ phương án 2 về hạn chế nhập cư, trong đó quy định chặt hơn về điều kiện nhập khẩu vào nội thành phải có nhà ở với diện tích tối thiểu theo quy định. Theo các đại biểu, quy định như vậy mới đảm bảo luật được thực hiện nghiêm túc, nếu không, một số người dân có thể sẽ làm theo kiểu hình thức để đối phó.

Dẫn chứng về sự cần thiết phải quản lý dân cư nhập cư nội thành, đại biểu Phạm Thị Hồng Nga dẫn chứng ngay trong lĩnh vực bà công tác.

"Hà Nội đang chịu áp lực về tăng dân số rất lớn, năm nay, Thủ đô đã có 1,6 triệu học sinh, mỗi năm tăng xấp xỉ 100.000 học sinh, không đủ điều kiện để xây trường kịp với tốc độ gia tăng dân số. Nếu chúng ta cứ tiếp tục chính sách nhập cư như hiện nay thì không thể tránh được việc sĩ số mỗi lớp học rất và như vậy cũng khó đảm bảo chất lượng", đại biểu Nga nói.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Quang Nghị lưu ý, đối với khu vực ngoại thành, việc nhập cư vào Hà Nội được thực hiện theo Luật cư trú, không có khác biệt, Luật Thủ đô chỉ hạn chế nhập cư nội thành và quy định này xét cho cùng cũng là để đảm bảo cuộc sống cho những người nhập cư cũ và mới, phù hợp với quy mô dân số mà Quy hoạch chung của Hà Nội đã đề ra.

“Hà Nội hiện đang thực hiện giãn dân từ nội thành ra ngoại thành để cân đối lại quy mô dân số, đang phải đầu tư dự án giãn dân phố cổ hết sức tốn kém, đang quá tải nơi ở, học hành, giao thông... mà chúng ta lại vẫn tiếp tục đưa một bộ phận dân cư vào thì sẽ khó đảm bảo điều kiện cho người dân đang sinh sống. Vì vậy, Hà Nội cần có những quy định hạn chế ở một mức độ nhất định. Quy định này không có nghĩa là hạn chế lao động tự do, nếu luật được thông qua, họ vẫn tự do sinh sống như hiện nay”, đại biểu Phạm Quang Nghị nói.

Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận với các phương án, các đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất, Quốc hội nên tổ chức lấy phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu, trên cơ sở đó, lựa chọn phương án được nhiều đại biểu đồng thuận nhất để đưa ra biểu quyết thông qua.

Tại các đoàn Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa…, rất nhiều ý kiến ủng hộ dự án Luật Thủ đô.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Lập nhìn nhận, Luật Thủ đô là có ý nghĩa cho cả nước chứ không riêng thành phố Hà Nội và cả nước mong đợi dự luật này.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng đánh giá, dự thảo luật nhìn chung đã nêu được những đặc thù của Thủ đô.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa cho rằng, dự luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Theo ông, mỗi một đất nước chỉ có một thủ đô, nên việc ban hành Luật Thủ đô là cần thiết.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp - Cần Thơ cũng nhấn mạnh, phải ban hành Luật Thủ đô để tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô phát triển.

Đại biểu Uông Chu Lưu - Thanh Hóa thống nhất, phải có luật Thủ đô. Theo ông, Luật Thủ đô không phải là luật dành cho Hà Nội với tư cách là một đô thị trực thuộc Trung ương, mà luật này sẽ điều chỉnh Hà Nội với tư cách Hà Nội là Thủ đô của cả nước.

Đại biểu Ngô Ngọc Bình - TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Thủ đô là trái tim của cả nước với vị trí và tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy, ông nhất trí với nội dung tờ trình dự án luật cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cùng chung góp ý, dự luật cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của chính chính quyền TP Hà Nội, nhất là UBND Thành phố Hà Nội.

Vấn đề quản lý nhập cư cũng là vấn đề “nóng” tại các tổ trong phiên thảo luận.

Đại biểu Uông Chu Lưu thừa nhận, hiện Hà Nội đang chịu nhiều áp lực giữa tốc độ gia tăng dân số tự nhiên với hạ tầng xã hội. Luật Thủ đô nếu được ban hành sẽ giải tỏa được vấn đề này. Tuy nhiên, cũng cần kết hợp các biện pháp khác như đầu tư cho ngoại thành, phát triển vùng Thủ đô...

Hoàn toàn ủng hộ việc hạn chế nhập cư vào nội đô, đại biểu Nguyễn Bá Thanh – Đà Nẵng cho rằng, “việc quy định chặt là chính xác, lớp học còn có sĩ số chứ đừng nói là Thủ đô”. Tuy nhiên, để quy định này được thực hiện nghiêm túc, theo ông, người muốn nhập tịch phải có nhà thuê của một công ty chuyên nghiệp cho thuê nhà ở, chứ không thể “quen biết” một chút là được nhập hộ khẩu.

“Hiện nay, nhiều nhà 30-40m2 mà cả chục người ở, chỗ nằm cũng không có”, đại biểu Thanh nói.
 
Theo chương trình, dự án Luật Thủ đô sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại Hội trường vào ngày 5/11 tới.

 

Theo Báo Hà Nội mới


.