Sáng mãi ngọn lửa Xô viết Nghệ -Tĩnh

09:09, 12/09/2012
.

Những trang sử bằng vàng của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, nếu không có cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 thì không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả của ba cuộc tổng diễn tập do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mà khởi nguồn chính là tiếng trống giục giã và ngọn đuốc sống bốc cao, rực rỡ biểu tượng sức mạnh dân tộc, xua tan màn đêm nô lệ. Ngọn đuốc ấy không chỉ soi đường, dẫn lối để dân tộc ta giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại thắng lợi to lớn trong hai cuộc kháng chiến thần thánh mà còn tiếp tục soi sáng con đường đổi mới để dân tộc Việt Nam hiên ngang tiến vào thế kỷ XXI.
 

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầu những năm 30 của thế kỷ XX đã ảnh hưởng đến tất cả các nước tư bản, trong đó có nước Pháp. Để thoát khỏi khủng hoảng, các nước đế quốc không chỉ tăng cường bóc lột sức lao động ở chính quốc mà còn tìm mọi cách trút gánh nặng của cuộc khủng hoảng lên đầu nhân dân thuộc địa và nửa thuộc địa bằng cách tăng cường hơn nữa bóc lột sức lao động, vơ vét tài nguyên thiên nhiên… Việt Nam là thuộc địa của Pháp nên nhân dân Việt Nam - công nhân và nông dân là những nạn nhân trực tiếp và chịu hậu quả nặng nề nhất. Họ trở thành người làm thuê tại nhiều khu công nghiệp, thương mại của Pháp và bị bóc lột dã man ngay trên mảnh đất quê hương mình.  

Là địa bàn tập trung nhiều trung tâm thương mại, khu công nghiệp, nhà máy nhất Trung kỳ, thành phố Vinh - Nghệ An với tổng diện tích 20km2, dân số 19.811 người nhưng có tới gần 400 “ông chủ” Pháp, quan chức và hơn 7.000 người dân thất nghiệp, tay trắng, cùng đinh, cơ cực. Chính sách bóc lột, bần cùng hóa nông dân đã “biến nông dân thành thợ thuyền” - không chỉ làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân nơi đây với thực dân Pháp ngày càng trở nên gay gắt mà còn tạo điều kiện để thành phố Vinh sớm có đội ngũ giai cấp tiên phong tiếp nhận tư tưởng giải phóng dân tộc, nơi ra đời của các tổ chức chính trị - nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc và trỗi dậy đập tan tất cả “bè lũ cướp nước và bán nước” khi có thời cơ.

Giữa không khí sục sôi của các phong trào đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt, chống khủng bố, chống sưu cao thuế nặng của công nhân đồn điền Cao su Phú Riềng, công nhân nhà máy sợi Nam Định, công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy và nông dân Nam Hà, Thái Bình, Long Xuyên, Sa Đéc… Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của lịch sử, kịp thời tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và trực tiếp lãnh đạo các phong trào đấu tranh của quần chúng công nông đang phát triển mạnh mẽ, rộng khắp cả nước.

Dưới ánh sáng của Đảng, vô sản giai cấp và nông dân nổi dậy mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1930. Ngày đó, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện nhiều cuộc đấu tranh với hình thức và khẩu hiệu đấu tranh phong phú: Rải truyền đơn, treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy. Mục tiêu đấu tranh quyết liệt, ngoài mục tiêu kinh tế, còn có mục tiêu chính trị; kết hợp mục tiêu kinh tế với chính trị, kết hợp giữ thành thị và nông thôn; lực lượng cách mạng đã có sự liên kết giữa công nhân nhà máy với nông dân làng xã… Trong đó, cuộc mít tinh ở Vinh - Bến Thủy đã bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Không chịu lùi bước trước sức mạnh của kẻ thù, được nhân dân các vùng xung quanh ủng hộ, họ tiếp tục đấu tranh chống khủng bố và phong trào nhanh chóng lan sang các huyện, tổng của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Vì vậy, chỉ trong 3 tháng kể từ 1-5-1930, ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 97 cuộc đấu tranh của công nông.

Tháng 8-1930, cuộc đấu tranh đã phát triển đến đỉnh cao trên phạm vi toàn quốc. Công - nông đã kết hợp với nhau, tổ chức các cuộc mít tinh biểu tình hưởng ứng ngày quốc tế chống chiến tranh (ngày 1-8 hằng năm). Nghệ - Tĩnh tiếp tục là nơi diễn ra hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân trên quy mô huyện và liên huyện. Các cuộc biểu tình với quy mô lớn đã lôi kéo hàng chục ngàn người kết thành một khối, cuộc đấu tranh nọ kế tiếp cuộc đấu tranh kia nổ ra không dứt và từng bước chuyển sang bạo động. Ngày 30.8.1930, hơn 3 ngàn nông dân huyện Nam Đàn biểu tình kéo đến huyện lỵ phá huyện đường. Ngày 1-9-1930, gần 20.000 nông dân huyện Thanh Chương biểu tình, tiến vào huyện đường phá nhà giam, thả tù chính trị, đốt hồ sơ, sổ sách… Bọn hào lý địa phương bỏ chạy, nhân dân đã đứng ra tổ chức và tự điều hành mọi hoạt động trong xã.

Đặc biệt, cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12-9, lần lượt kéo đến phủ lỵ với khẩu hiệu cách mạng “đã đảo chủ nghĩa đế quốc! đã đảo phong kiến”. Đoàn biểu tình xếp thành hàng dài hơn 1 km kéo về thành phố Vinh, đi đầu là những người cầm cờ đỏ, đi hai bên là những đội tự vệ được trang bị gậy, dao… dòng người càng đi càng được bổ sung thêm lực lượng và vũ khí tự tạo... Thực dân pháp đã đàn áp dã man phong trào, chúng cho cả máy bay ném bom và xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình làm 217 người chết, 125 người bị thương, đốt cháy 277 nóc nhà… Song, sự khủng bố và đàn áp đẫm máu, dã man của thực dân và tay sai không ngăn chặn được phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh. Nhân dân tiếp tục phá nhà lao, đốt huyện đường, vây đồn lính khố xanh, thẳng tay trừng trị bọn tay sai địa chủ tàn ác, buộc chúng phải nộp triện, sổ sách ghi nợ, xoá sổ các loại thuế cho nông dân. Trong cuộc đấu tranh này đã xuất hiện lực lượng vũ trang tự vệ để hỗ trợ cho lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị.

Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ “như nước vỡ bờ” của quần chúng nhân dân, chính quyền thực dân và phong kiến tay sai hoảng sợ. Ở nhiều huyện lị, lý trưởng đã giao nộp ấn tín, sổ ghi nợ cho cách mạng, chạy trốn. Bộ máy chính quyền phong kiến địa phương tan rã. Yêu cầu mới đặt ra, các chi bộ Đảng và tổ chức Nông Hội đỏ ở các thôn - xã đã đứng ra quản lý, điều hành mọi hoạt động ở địa phương phỏng theo chính quyền Xô viết ở nước Nga, mô hình mà họ đọc được qua các tài liệu và báo chí của Đảng. Nhân dân gọi các tổ chức vừa dựng lên là xã Bộ Nông, thôn Bộ Nông hoặc các Xô viết. Chính quyền Xô viết được hình thành và bước đầu giải quyết những yêu cầu chính đáng cho người dân: Ruộng đất cho nông dân, bỏ sưu cao thuế nặng, thực hiện chức năng dân chủ đối với đông đảo quần chúng và chuyên chính với thiểu số bóc lột là đế quốc và phong kiến tay sai. Ghi nhận kết quả to lớn bước đầu của chính quyền Xô viết và những đóng góp không nhỏ của nhân dân Nghệ - Tĩnh đối với dân tộc, ngày 12-9 trở thành ngày Xô viết Nghệ - Tĩnh!

Xô viết Nghệ - Tĩnh đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng công nông trong cả nước nổi dậy đấu tranh. Thực hiện chủ trương và lời kêu gọi của Đảng, nhân dân nhiều địa phương trong cả nước tiếp tục vùng lên đấu tranh, phản đối chính sách đàn áp, bóc lột hà khắc của chính quyền thực dân, phong kiến, chống khủng bố “trắng”. Ngoài khẩu hiệu đòi tăng lương giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, còn xuất hiện khẩu hiệu mang tính chính trị: Ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh, ủng hộ Liên bang Xô viết… Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra ở Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Yên, Quảng Trị, Quảng Ngãi... không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết “chia lửa” cùng nhân dân Nghệ - Tĩnh mà còn minh chứng sức mạnh đoàn kết, cố kết cộng đồng, chung lưng đấu cật của cả dân tộc Việt Nam chống lại sự nô dịch của đế quốc và tay sai. Kết quả này không chỉ đặt cơ sở đầu tiên, nền móng vững chắc cho nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng giữa mặt trận chính diện (Xô viết Nghệ - Tĩnh) với mặt trận sau lưng địch (các vùng, miền) mà còn đánh dấu bước khởi đầu tiến trình phát triển không ngừng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng…

Trước khí thế sục sôi của cao trào cách mạng và ngọn lửa Xô viết rực sáng, thực dân Pháp và tay sai nhanh chóng tăng cường lực lượng đàn áp và tiến hành cuộc khủng bố trắng vô cùng tàn bạo, hòng dìm tất cả các phong trào đấu tranh của nhân dân ta trong bể máu. Vì vậy, cao trào cách mạng (1930-1931) đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tạm thời lắng xuống vào cuối năm 1931. Mặc dù vậy, sự ra đời và hoạt động của chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh với nhiều chủ trương, chính sách về kinh tế, chính trị, văn hóa tiến bộ, ưu việt đã chứng minh thắng lợi đỉnh cao của cao trào cách mạng (1930-1931). Thắng lợi này không chỉ xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc trên thực tế, thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng mà còn gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Đáp lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương, báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 1-1931) và báo Vô sản của Đảng Cộng sản Pháp (tháng 10-1931) đã đăng bài giới thiệu và ủng hộ Xô viết Nghệ-Tĩnh, kêu gọi nhân dân tiến bộ Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương. Tại Hội nghị lần thứ 11 Quốc tế Cộng sản (tháng 4-1931) đã chính thức công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và đến Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935) đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là Phân bộ chính thức.

Kết quả đạt được cộng với sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ trên thế giới đã chứng minh vị trí, vai trò của Xô viết Nghệ - Tĩnh đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Điều đó chứng tỏ, không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930-1931, trong đó công - nông đã vung ra nghị lực cách mạng phi thường của mình thì không thể có cao trào những năm 1936-1939, không có thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 và không có đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất như ngày hôm nay. Cao trào đấu tranh cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh 12-9 là “Bước thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển về sau của cách mạng”. Ghi nhận đóng góp của Xô viết Nghệ - Tĩnh, 30 năm sau sự kiện này, Hồ Chí Minh đã viết: Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào cách mạng trong bể máu, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng, chuẩn bị những tiền đề cần thiết - cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, lập ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam châu Á. Và cũng chính từ cao trào cách mạng này, nghệ thuật chỉ đạo cách mạng, nhất là đấu tranh cách mạng của Đảng đã bước đầu hình thành và ngày càng được bổ sung, phát triển trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nghệ - Tĩnh với biểu tượng “Tiếng trống và ngọn lửa năm 30” vang vọng mãi trong lòng dân tộc với cuộc tổng diễn tập, rèn luyện lực lượng đầu tiên cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ xứng đáng với danh hiệu “đỏ”, cùng dân tộc Việt Nam viết tiếp bản hùng ca “đỏ” trên tầm cao mới, liên tiếp đánh bại hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH mà còn để lại bài học quý đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thực tiễn đã chứng minh ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm vì nước, vì dân của người cán bộ, đảng viên thì ở đó sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, nhân dân sẽ chung sức đồng lòng cùng Đảng đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng với chủ đề “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng…” và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra ý nghĩa, tầm quan trọng và tính cấp thiết của vấn đề chỉnh đốn Đảng - một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, quyết định sự thành công hay thất bại của sự nghiệp đổi mới, đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Bài học quý báu về xây dựng Đảng mà cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) vẫn bừng sáng, soi rọi từng nhịp bước phát triển và hội nhập của đất nước hôm nay. Ngọn lửa truyền thống cách mạng hào hùng ấy là động lực để các thế hệ người Việt Nam vượt qua khó khăn, đoàn kết, chung sức đồng lòng quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu mạnh.


.