Thực hiện hai tiếng cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

10:07, 09/07/2012
.

Hai tiếng cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong “Di chúc” của Người, ít nhất có 3 nội dung cơ bản, quan trọng mà chúng ta, đặc biệt và trước hết là những cán bộ, đảng viên có trình độ trung - cao cấp đang lãnh đạo, quản lý ở các cấp cần nhận thức rõ, đúng để làm theo
 

Rất nhiều nhà lãnh đạo và nhà khoa học đã chẳng ít lần nhắc tới và phân tích về những tiếng thật trong Di chúc của Bác Hồ: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Tư tưởng bất hủ đó của Bác Hồ rất đúng và hay. Tôi nhận thức thêm rằng, xét về mặt triết học, Bác Hồ nói đến bản chất, thực chất của các vấn đề đó cần thể hiện đúng trong thực tiễn. Xét về mặt tình cảm thì đó là lòng mong muốn của Người đối với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng và đối với toàn Đảng ta.


Suy ngẫm về những tiếng cách mạng trong Di chúc và nhiều bài viết của Người, chúng ta càng thêm vững tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác đã lựa chọn. Thiết nghĩ, trong tình hình “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…” như Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) của Đảng ta vừa nhấn mạnh với vị trí là vấn đề cấp bách số một… thì những tiếng cách mạng mà Bác Hồ để lại cho chúng ta càng cần được lưu ý, phân tích một cách khoa học và thực tiễn sâu sắc, có sức thuyết phục hơn. Làm được như vậy sẽ góp phần để chúng ta cùng nhau làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là đối với các cán bộ, đảng viên có trình độ trung - cao cấp, đang làm công tác lãnh đạo, quản lý.


Dưới đây, là một số luận điểm tiêu biểu nhất của Bác Hồ để lại cho chúng ta, khi Người nhấn mạnh hai tiếng cách mạng, giúp chúng ta cùng suy ngẫm và vận dụng để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

- “Đạo đức cách mạng”. Bác Hồ viết bài này năm 1958, khi miền Bắc nước ta bắt đầu vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bác Hồ đã lường trước và cảnh báo nguy cơ “đạn bọc đường” sẽ có thể bắn gục không ít cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền.


- “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác Hồ viết bài này năm 1969, khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược rất khốc liệt, và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đang đầy khó khăn, phức tạp…; và khi Người đã lâm bệnh rất trầm trọng…


- “Di chúc”. Bác Hồ bắt đầu viết tác phẩm này từ năm 1965; công bố chính thức năm 1969, khi Người “… từ biệt thế giới này…”.


Trong nhiều tác phẩm, nhất là “Di chúc”, Bác Hồ luôn luôn nhấn mạnh hai tiếng cách mạng (chính Người đã gạch dưới; do đó trong “Hồ Chí Minh toàn tập” đã in nghiêng là chính xác theo tư tưởng Bác Hồ và theo quy định của xuất bản phẩm).


Chỉ riêng trong “Di chúc”, Bác Hồ đã nhấn mạnh nhất hai vấn đề mà ngày nay chúng ta rất cần lưu tâm nhận thức đúng để làm theo. Đó là: “Đạo đức cách mạng”(2) và “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”(3).


Về đạo đức cách mạng


Nhìn chung, hai tiếng đạo đức mà nước ta và nhân loại thường dùng thì đã hàm nghĩa tốt đẹp của con người. Do vậy Đảng ta, Bác Hồ và dân tộc ta đều rất trân trọng mọi đạo đức vốn có của các dân tộc, của nhân loại, thể hiện qua mỗi con người chân chính trong lịch sử lâu đời được lưu giữ, phát huy cho đến ngày nay và mai sau.


Nhưng, nếu Bác Hồ và chúng ta chỉ nói đạo đức theo nghĩa chung nhất như trên thì chẳng có giá trị mới so với những gì mà dân tộc ta và nhân loại đã có trước Thời đại Hồ Chí Minh. Giá trị mới to lớn là: Bác Hồ - người Việt Nam đầu tiên nói về đạo đức cách mạng. Vậy những nội dung cơ bản nhất của giá trị mới đó là gì so với những giá trị đạo đức truyền thống lịch sử trước đó? Giá trị mới đó ít nhất bao gồm các nội dung cơ bản sau đây: 1) Gắn đạo đức truyền thống với chủ nghĩa xã hội. Đó là “đạo đức xã hội chủ nghĩa”(4). 2) Gắn đạo đức truyền thống với quan điểm về đạo đức trong học thuyết Mác-Lênin; 3) Gắn đạo đức truyền thống với sự lãnh đạo - giáo dục đạo đức xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân thông qua Đảng Cộng sản.

Về “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.

Trong “Di chúc” Bác Hồ viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (5). Tương tự phân tích như trên thì chúng ta cũng rõ sự kế thừa và phát triển mới: vừa gắn liền, vừa phân biệt được sự khác nhau giữa “Bồi dưỡng thế hệ cho đời sau”, nói chung (là điều lịch sử lâu đời đã phổ biến, đương nhiên) với “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”… cũng có thêm các nội dung cơ bản và mới đã nêu ở trên, khi nói về đạo đức cách mạng.


Với cách tiếp cận đó thì việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau luôn được Bác Hồ và Đảng ta đặc biệt quan tâm. Và nếu thế hệ các đời sau của chúng ta mà xa rời chủ nghĩa xã hội, học thuyết Mác-Lênin, vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua Đảng ta, thì thế hệ đó không còn là “thế hệ cách mạng cho đời sau” như Bác Hồ căn dặn!.

Tóm lại, hai tiếng cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong “Di chúc” của Người, ít nhất có 3 nội dung cơ bản, quan trọng mà chúng ta, đặc biệt và trước hết là những cán bộ, đảng viên có trình độ trung - cao cấp đang lãnh đạo, quản lý ở các cấp cần nhận thức rõ, đúng để làm theo là:


- “Đạo đức cách mạng”, “Thế hệ cách mạng” phải thể hiện lập trường, niềm tin - yêu, và luôn phấn đấu vì chủ nghĩa xã hội (theo mục tiêu - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - cũng là vì mục tiêu cao nhất của dân tộc ta).


- “Đạo đức cách mạng”, “Thế hệ cách mạng” phải thể hiện có nhận thức - lập trường tư tưởng chính trị theo học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.


- “Đạo đức cách mạng”, “Thế hệ cách mạng” phải thể hiện sự trung thành và thực hiện quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.


Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển Đảng hiện nay cần nhận thức đúng và thực thi những nội dung đó, cũng là thực hiện tốt đường lối của Đảng ta; pháp luật, chính sách…của Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và bảo vệ quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và của Dân tộc ta phát triển nhanh, bền vững…, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.


-------------------

(1), (3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.12, tr.510, 510, 510.

(2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.238, 456.



Theo PGS. TS. Nguyễn Đức Bách (Tạp chí Tuyên giáo)


.