Phát huy truyền thống thanh niên xung phong trên trận tuyến mới

10:07, 15/07/2012
.

(QNg)- Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã lên đường chiến đấu, hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trở về đời thường, những thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa tiếp tục vững vàng trên mặt trận phát triển kinh tế, cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau vươn lên, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp…

TIN LIÊN QUAN


Qua lời giới thiệu của ông Đào Văn Hanh- Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi đến thăm cựu TNXP Huỳnh Minh Hạnh (1960) ở phường Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi). Ông Hạnh hiện là chủ của một phòng chẩn trị Đông y lớn trên địa bàn TP Quảng Ngãi và là một trong những gương cựu TNXP làm kinh tế giỏi tiêu biểu của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa trao huy hiệu Cựu TNXP làm theo lời Bác của TƯ Hội cho các hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh (ảnh chụp tại Đại hội Hội Cựu TNXP tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015).
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa trao huy hiệu Cựu TNXP làm theo lời Bác của TƯ Hội cho các hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh (ảnh chụp tại Đại hội Hội Cựu TNXP tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015).


Kỷ niệm về những năm tháng tham gia TNXP trong ông vẫn thật sôi nổi và đáng nhớ. Là thế hệ TNXP 3, trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, tạm gác niềm vui chung của nước nhà thống nhất, tháng 12/1978 chàng trai trẻ Huỳnh Minh Hạnh với trái tim sôi nổi, nhiệt tình hăng hái xung phong tham gia lực lượng TNXP thị xã Quảng Ngãi lên Tây Nguyên khai hoang sản xuất và xây dựng vùng kinh tế mới Thuận Mẫn, thuộc huyện Ea H'leo tỉnh Đắc Lắc. "Lúc đó hoàn cảnh kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn, thiếu thốn sau chiến tranh, nhưng tôi và đồng đội đã không ngại gian khổ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao"- ông Hạnh nhớ lại.

Sau những năm tháng tham gia lực lượng TNXP, năm 1981, ông trở về địa phương, đoàn tụ với gia đình. Lúc này cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, đa số TNXP phải bươn chải với cuộc sống bằng chính sức lao động của mình trong điều kiện chưa có ngành nghề, không tiền vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật... Đứng trước cảnh nghèo khó, ông quyết định theo học nghề Đông y tại trường Tuệ Tĩnh - TP Hồ Chí Minh.

Năm 1987, tốt nghiệp y sĩ Đông y, ông được phân công về công tác tại Khoa Đông y - Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Làm được khoảng gần 10 năm, ông lập gia đình và  nghỉ việc tại bệnh viện và xin phép mở phòng chẩn trị Đông y tại nhà. Với một ít vốn ban đầu được gia đình, bà con, bạn bè, đồng đội giúp đỡ, sau 24 năm hành nghề Đông y, với tinh thần yêu nghề, chịu khó, tiết kiệm, đến nay, kinh tế gia đình đã tương đối ổn định. Tổng số vốn gia đình ông đang có hiện nay khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài công việc chuyên môn, từ năm 1997 đến nay, gia đình ông còn đầu tư trồng hơn  3 ha cà phê ở Gia Lai. Hiện nay sản lượng hàng năm đạt 12-15 tấn cà phê nhân.

Không chỉ làm giàu cho riêng bản thân mình, từ khi hành nghề Đông y, ông  Hạnh đã chăm sóc, chữa bệnh miễn phí cho nhiều bệnh nhân nghèo, thu nhận và giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho con cháu của anh em đồng đội năm xưa. Trong nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, ông còn tích cực tham gia, đóng góp ủng hộ các hoạt động từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ thiên tai bão lụt, giúp đỡ hội viên cựu TNXP có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ủng hộ quỹ Nghĩa tình đồng đội TNXP... với số tiền trên 100 triệu đồng (bình quân  12 triệu đồng/năm).

Còn cựu TNXP Đinh Quang Ba (1950) ở thôn Thạch Nội xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) cũng là một trong những cựu TNXP giàu nghị lực. Là thế hệ TNXP trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, với tinh thần khi Tổ quốc cần thanh niên luôn sẵn sàng, ông Ba hăng hái tham gia TNXP vào Ban GTVT khu V giai đoạn 1969-1975. Ông đã cùng đồng đội, bám cầu, bám đường tham gia phá núi, mở đường Hồ Chí Minh (đoạn Bình Định- Quảng Bình). Sau 1975, trở về đời thường, ông theo học đại học tại chức ngành quản lý kinh tế lao động tiền lương, sau đó được cử về làm cán bộ ở địa phương.

Dù ở cương vị nào ông vẫn luôn phát huy tinh thần người TNXP để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân yêu mến. Ngoài ra vợ chồng ông  chăm chỉ làm  ruộng, nuôi bò, nuôi gà, trồng mỳ.... với thu nhập mỗi năm khoảng 50-60 triệu đồng. Với nguồn thu nhập này vợ chồng ông đã nuôi 2 con học đại học và có công ăn việc làm ổn định. Điều đáng quý là, hiện tại 2 vợ chồng ông dù không còn gánh nặng nuôi con nhưng vẫn tích cực trồng trọt chăn nuôi, và lấy số tiền dư đó để cho anh em đồng đội năm xưa còn nghèo khổ mượn để phát triển kinh tế gia đình.  
Đây chỉ là 2 trong số những cựu TNXP vượt khó vươn lên phát triển kinh tế. Theo thống kê của Hội cựu TNXP tỉnh, hiện số hội viên cựu TNXP làm kinh tế giỏi đã lên đến con số hàng trăm. Mặc dù mỗi người phát triển kinh tế theo cách riêng của mình nhưng ở họ luôn toát lên ý chí, không cam chịu đói nghèo, quyết làm giàu chính đáng và khi có điều kiện thì tích cực giúp đỡ anh em đồng đội, những đối tượng còn khó khăn trong xã hội.

Ông Đào Văn Hanh- Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Nhờ phát huy tinh thần "Trẻ xung phong, già gương mẫu; thời chiến sống dũng cảm, thời bình sống mẫu mực", những TNXP năm xưa không chỉ kiên cường trong chiến đấu, trở về đời thường, họ lại dồn tâm huyết, khả năng của mình cho các hoạt động tình nghĩa, chung sức giúp nhau xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Nhiều cựu TNXP đã nêu gương sáng trên các lĩnh vực, ra sức phát triển kinh tế và tích cực tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương. Những việc làm ấy đã và đang làm sáng mãi phẩm chất của lực lượng TNXP.


 Bài, ảnh: Ngọc Đức
 


.