Lãnh tụ Xôviết Vladimir Ilich Lênin: Một người Nga chân chính

05:04, 22/04/2011
.

Dù đứng ở bất cứ góc độ nào cũng không thể phủ nhận, Lênin chính là một trong những vĩ nhân đã không những không bỏ lỡ thiên thời mà còn biết kết hợp thiên thời với địa lợi và nhân hòa để làm nên lịch sử, góp phần cải thiện đời sống quốc gia và dân tộc mình, thậm chí không chỉ riêng dân tộc mình và tổ quốc mình.

 
Ngay từ khi còn trẻ, Lênin đã xác định một cách đầy ý thức về con đường mà nước Nga cần đi để thoát khỏi những bất công và lạc hậu, để người dân trong đế chế giàu tài nguyên và tiềm năng này có thể ngẩng mặt nhìn thế giới xung quanh. Alexandra Kolontai (1872-1952), nhà ngoại giao Xôviết lừng danh, đã nhận xét:

"Có những cá nhân - hiếm thấy trong lịch sử loài người - là sản phẩm của một chuyển biến lớn lao đã chín muồi, đã tô đẹp cho cả một thời đại. Trong số những người vĩ đại về tinh thần và ý chí đó là Vladimir Ilich Lênin... Như ở một tiêu điểm, Người đã tập hợp vào trong mình tất cả những cái gì của Cách mạng là nghị lực, là hùng mạnh, không ủy mị trong phá bỏ cái cũ và rất kiên quyết trong xây dựng cái mới".

Chủ nghĩa Mác luôn coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhưng không bao giờ quên vai trò cực kỳ quan trọng của các cá nhân vĩ đại. Con thuyền nào cũng cần có người cầm lái, một cuộc cách mạng muốn thành công luôn cần tới những nhà lãnh đạo thích ứng.

Cách mạng vô sản Nga những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã có một nhà lãnh đạo tương xứng với sứ mệnh của mình là Lênin. Và chính Lênin cũng tự ý thức được vai trò của mình trong phong trào cách mạng Nga và thế giới. Và Người đã sống và làm việc theo một phong độ đúng như một vị thủ lĩnh cách mạng cần phải có.

Nhà văn vô sản lớn Maxim Gorky đã nhận xét, tràn ngập trong đời sống và công việc của Lênin là "tinh thần hy sinh khắc khổ, thường thấy ở người cách mạng trí thức Nga trung thực, tin tưởng sắt đá vào khả năng thiết lập sự công bằng trên trái đất, tinh thần anh hùng của con người đã từ bỏ mọi niềm sung sướng trên đời để hiến mình cho hoạt động gian khổ vì hạnh phúc của mọi người".

Lênin là người có tính nguyên tắc rất cao. Tư tưởng của Người, cũng theo nhận xét của M. Gorky, "giống như cái kim địa bàn, bao giờ cũng chỉ về lợi ích giai cấp của nhân dân lao động... Điều đặc biệt vĩ đại ở Lênin chính là lòng căm thù quyết liệt, không bao giờ tắt trước sự bất hạnh của mọi người, niềm tin chói lọi của đồng chí rằng sự bất hạnh không phải là nền tảng không thể tiêu diệt được của cuộc đời, trái lại nó là điều xấu xa, nhơ nhuốc mà mọi người có thể và cần phải quét sạch đi".

Những nhà cách mạng đích thực trưởng thành trong ngọn lửa đấu tranh giai cấp thực sự quyết liệt nên bản năng gốc của họ luôn là trung thực và dũng cảm. Họ biết mình không có quyền nuôi dưỡng những ảo tưởng, bởi làm thế là tự sát. Hơn bất kỳ ai, Lênin lúc nào cũng nhìn và kêu gọi mọi người cùng nhìn vào sự thật, dù khắc nghiệt đến mấy, của cuộc đấu tranh một mất một còn với những kẻ thù tư tưởng và giai cấp. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, Người vẫn không bao giờ tỏ ra núng chí trước những thử thách mới xuất hiện, dù chúng có to lớn đến mấy.

Nhà văn Boris Polevoi, tác giả "Người Xôviết chúng tôi" từng được phổ biến rộng cả ở nước ta, viết về V.I.Lênin như sau: "Là người gan dạ và chính trực, đồng chí bao giờ cũng nhìn thẳng vào sự thật. Dù sự thật đôi khi cay đắng và thậm chí khủng khiếp đến thế nào đi nữa, đồng chí cũng không bao giờ giấu giếm mọi người xung quanh, không bao giờ giấu giếm đông đảo đám đông".

Đọc lại những bài tranh luận cũng như những hồi ký về cách ứng xử của Người trong những tình huống đầy khó khăn và phức tạp của cách mạng Nga, mới thấy khâm phục tính bộc trực (nhưng luôn luôn sâu sắc) của người chiến sĩ bẩm sinh này.

Lênin luôn gọi sự vật bằng đúng tên của nó và Người không bao giờ tỏ ra nhụt chí khi phải đưa ra những quyết định vào những thời điểm nước sôi lửa bỏng nhất. Mọi hành động của Người đều xuất phát được từ ý thức sâu sắc về trọng trách của mình trước sự nghiệp chung.

Người, nói theo lời của nhà văn hóa A. Lunacharsky (1875-1933), biết rất rõ về việc cách mạng là một sự nghiệp không thể "nhân tạo", mà thường là phải dựa vào "thiên thời", nhưng lại rất quán triệt quan điểm rằng, cuộc cách mạng nào cũng có nguy cơ trở nên "hỗn quân hỗn quan" nếu không được sự dẫn dắt một cách có tổ chức của một lực lượng giác ngộ nhất, đủ tầm và tài trở thành đội quân tiền phong.

Theo CAND

.