Đối ngoại Quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc

09:12, 22/12/2010
.

Cùng với việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chính sách quốc phòng, đặc biệt là nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới; xây dựng quân đội mạnh về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, 2010 còn là năm thành công trong công tác đối ngoại quốc phòng của nước ta. 
 
Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2010) và 21 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, phóng viên VOV phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về nội dung này.
 
PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho vài nét đánh giá về công tác quốc phòng năm 2010 ?
 
 
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh:
Có thể nói năm 2010, nhiệm vụ và công tác quốc phòng có rất nhiều nét nổi bật để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước hết, Quân đội thường xuyên tham mưu cho Đảng và Nhà nước về những vấn đề quốc phòng, quân sự. Khái niệm quốc phòng, nhiệm vụ quốc phòng không chỉ là nhiệm vụ của Quân đội. Nhờ tham mưu đúng cho nên trong những năm qua chúng ta đã củng cố được thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng được quốc phòng vững mạnh và đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
 
Nét nổi bật thứ hai là xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, bên cạnh đó Quân đội tập trung vào xây dựng tư tưởng đội ngũ cán bộ chiến sĩ, sẵn sàng chiến đấu cao. Tuy đất nước đang trong cơ chế thị trường, nhưng những người thanh niên tham gia Quân đội đều hết sức trung thành, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, khó khăn, gian khổ và thậm chí là hy sinh.
 
Điểm thứ ba mà Quân đội làm được đó là xây dựng Quân đội sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện tốt, bảo vệ lợi ích của Tổ quốc trên tất cả mọi miền của đất nước.
 
PV: Có thể nói năm 2010 là năm thành công vượt bậc của đối ngoại quốc phòng Việt Nam, đặc biệt với sự kiện Hội nghị quốc phòng ASEAN mở rộng. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và các đối tác trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới ?
 
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Xu hướng chung về an ninh quốc phòng của khu vực cũng như trên thế giới là hòa bình và ổn định. Nhưng thực tế cũng xuất hiện không ít những thách thức về an ninh, trong đó có thách thức an ninh phi truyền thống và thách thức an ninh truyền thống. Những thách thức này, đặc biệt là các thách thức phi truyền thống càng ngày càng trở nên có tính quốc tế trong khu vực mà một nước không thể giải quyết được.
 
Thứ hai, khi chúng ta đặt vấn đề giải quyết vấn đề quốc phòng, an ninh bằng biện pháp hòa bình thì chỉ có thông qua đối thoại. Muốn đối thoại thì phải làm tốt công tác đối ngoại, trước hết là công tác hợp tác quốc phòng song phương. Trước đây, chúng ta chỉ hợp tác quốc phòng với các nước Xã hội chủ nghĩa, một số nước láng giềng. Còn bây giờ, chúng ta thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là đối ngoại rộng mở.
 
Trong hợp tác đa phương thì chúng ta tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, chủ yếu là các diễn đàn khu vực, đó là diễn đàn các Bộ trưởng quốc phòng ADMM, diễn đàn ARF và mới đây nhất là chúng ta đã tổ chức thành công diễn đàn Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng tại Hà Nội. Việc tổ chức thành công diễn đàn này đã đem lại cấu trúc an ninh mới, với đặc thù hợp tác quốc phòng nhưng để củng cố hòa bình và đi đến phát triển. Triển vọng hợp tác đa phương của chúng ta nhằm mục đích đó, tức là đối ngoại quốc phòng là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền.
 
 PV: Dự thảo văn kiện Đại hội 11 đã xác định mục tiêu nhiệm vụ của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là chủ quyền an ninh biển đảo. Vậy, đâu là những vấn đề trọng tâm để chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ này, thưa Thứ trưởng?
 
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Trong thời gian hiện nay, nổi lên vấn đề biển Đông và vấn đề biển Đông là vấn đề hết sức quan trọng, một vấn đề hết sức cơ bản, sống còn đối với đất nước ta. Làm thế nào để chúng ta bảo vệ tốt không chỉ biển Đông, mà cả biên giới trên bộ và các khu vực khác; rồi lợi ích ở trên biển Đông, các lợi ích khác của đất nước.
 
Trước hết chúng ta phải kiên quyết khẳng định chủ quyền chính đáng của Việt Nam. Những gì của Việt Nam phải được khẳng định, khẳng định trong nhân dân ta, khẳng định với cộng đồng quốc tế.
 
Thứ hai là chúng ta phải tích cực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân ở những khu vực có thể bị xâm hại đến chủ quyền.
 
Thứ ba là chúng ta phải xây dựng Quân đội vững mạnh để  bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không đe dọa sử dụng vũ lực và không sử dụng vũ lực với bất kỳ nước nào, nhưng chúng ta không thể tay không mà bảo vệ Tổ quốc. Hai vấn đề này cùng tồn tại.
 
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã trả lời phỏng vấn./.

.