Kỷ niệm 190 năm ngày sinh Ph. Ăng-ghen (28/11/1820-28/11/2010):
Ph. Ăng-ghen – Người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản

03:11, 26/11/2010
.

 
(QNg)- Ph. Ăng- ghen sinh ngày 28/11/1820 trong một gia đình chủ xưởng ở thành phố Ba-rơ-men, miền Rê-na-ni, nước Đức. Sau khi rời quân đội, cuối năm 1842, ông sang Anh và sống ở thành phố công nghiệp dệt Man-chet-xtơ, tại đây ông quyết định đi sâu tìm hiểu  đời sống của những người lao động. Ông nói với công nhân:… "Tôi muốn thăm các bạn ngay trong nhà các bạn, muốn xem xét cuộc sống hằng ngày của các bạn, nói với các bạn về điều kiện sinh hoạt và nỗi đau khổ của các bạn"...


Ba năm sau, công trình nghiên cứu của Ăng-ghen ra đời: "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh". Qua đó, ông được coi là người đầu tiên phát hiện sứ mạng lịch sử vĩ đại của giai cấp công nhân trong công cuộc đấu tranh giải phóng người lao động, xây dựng xã hội mới không có áp bức, bóc lột. Đến năm 1844 ông công bố cuốn "Góp phần phê phán chính trị kinh tế học", Các-Mác coi đó là một tác phẩm thiên tài về khoa học chính trị kinh tế học của giai cấp vô sản.

Cuối tháng 8/1844, Ăng-ghen gặp Các-Mác ở Pa-ri, đó là sự mở đầu cho một thời kỳ cộng tác lâu dài giữa hai người trong sự nghiệp đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản khoa học. Hai ông đã viết chung cuốn "Gia đình thần thánh" và "Hệ tư tưởng Đức" nhằm phê phán triết học của phái Hê-ghen và phái Phơ-bách để đặt cơ sở cho triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

Trong khi miệt mài nghiên cứu lý luận, Ăng-ghen cùng với Các-Mác đã bắt liên lạc với phong trào công nhân các nước, chú ý đi vào thực tiễn đấu tranh. Năm 1847, hai ông khởi thảo "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản". Tác phẩm này xuất bản lần đầu tiên vào tháng 2/1848 bằng tiếng Anh ở Luân Đôn. Đó là một văn kiện có tính chất cương lĩnh đấu tranh của giai cấp vô sản quốc tế. Thực tiễn  cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản đã xác nhận tính khoa học chính xác và ý chí cách mạng tiến công của những nguyên lý được đề ra trong Tuyên ngôn.

Tháng 2.1848, cách mạng bùng nổ ở Pháp rồi lan sang Đức và nhiều nước châu Âu. Phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Các-Mác và Ăng-ghen trở về Đức, xuất bản tờ "báo Rê-na-ni mới". Trên những trang báo này, Ăng-ghen kêu gọi nhân dân Đức kiên quyết đấu tranh chống chế độ nông nô và chế độ chuyên chế phong kiến, vạch trần sự phản bội của giai cấp tư sản Đức và tính không triệt để của những người dân chủ tiểu tư sản. Ăng-ghen cùng với Các-Mác kiên quyết bảo vệ chủ trương đấu tranh cho một nước Đức cộng hoà, dân chủ và thống nhất.

Trong hai mươi năm (1850-1870), Ăng-ghen sống ở Man-chet-xtơ. Ông viết nhiều bài tổng kết kinh nghiệm cuộc cách mạng ở Đức ("Cách mạng và phản cách mạng ở Đức"); đi sâu nghiên cứu về kinh tế chính trị học và giúp đỡ Các-Mác rất nhiều trong việc biên soạn bộ "Tư bản". Ông viết những bài quan hệ quốc tế, về nghệ thuật quân sự và những lĩnh vực khác.
 
Qua những công trình của mình, Ăng-ghen đã thể hiện một sự hiểu biết rộng lớn, một tầm nhìn sâu sắc, một khả năng nhận định thiên tài trên nhiều lĩnh vực khoa học và cuộc sống. Các-Mác rất tự hào khi gọi người bạn của mình là một bộ "Bách Khoa".

Ăng-ghen luôn gần gũi với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Trong những ngày khó khăn của cách mạng, ông vẫn giữ vững sợi dây liên lạc với những người lãnh đạo công nhân các nước. Tham gia Quốc tế thứ nhất, ông cùng với Các-Mác đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng phi vô sản. Ông nhiệt liệt ủng hộ và tích cực giúp đỡ các chiến sĩ công xã Paris (1871).

Trong những năm 70 và 80 của thế kỉ XIX, nhiều Đảng công nhân được thành lập. Để bảo vệ đường lối chủ nghĩa Mác, Ăng-ghen viết tác phẩm quan trọng: "Chống Đuy-rinh" (1877) nhằm chống lại những quan điểm tiểu tư sản có tính chất cơ hội chủ nghĩa. Ông tổng kết những tài liệu về khoa học tự nhiên, phân tích trong tác phẩm xuất sắc "Phép biện chứng của tự nhiên".

Năm 1883, Các-Mác qua đời, Ph. Ăng-ghen phải đảm nhận trách nhiệm vẻ vang và nặng nề trong việc lãnh đạo giai cấp vô sản quốc tế. Ông  nhận trách nhiệm hoàn thành và xuất bản công trình đồ sộ  là bộ "Tư bản" của Các-Mác.

Năm 1844, Ăng-ghen đã viết xong tác phẩm nổi tiếng "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước", "Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức" (1888). Trong những năm cuối đời mình, Ăng-ghen đấu tranh không khoan nhượng chống mọi biểu hiện cơ hội chủ nghĩa trong phong trào công nhân.

Trong các đại hội của Quốc tế thứ hai, ông đã giành được thắng lợi trong việc đấu tranh thông qua những quyết nghị mác-xít như khẩu hiệu đòi ngày làm 8 giờ, tổ chức ngày Quốc tế Lao động 1/5, đồng thời xác nhận tính tất yếu của chuyên chính vô sản và thắng lợi của cách mạng vô sản. Ông qua đời vào ngày 5/8/1895.

Các-Mác, Ph. Ăng-ghen và học thuyết của các ông đã cách chúng ta hơn 160 năm. Trong thời gian đó thế giới đã có biết bao biến đổi về chất nhưng học thuyết của các ông về căn bản vốn là những giá trị bền vững. Di sản, tư tưởng lý luận của các ông còn được nhiều thế hệ nghiên cứu và tìm thấy ở đây những chỉ dẫn không thể thiếu trên con đường đi lên của nhân loại. Những giá trị ấy vẫn đang rọi sáng cho Đảng và nhân dân ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Năm tháng qua đi, nhân loại đã và sẽ còn biết đến nhiều nhân vật, học thuyết nổi tiếng, nhưng tên tuổi, học thuyết của Ph. Ăng-ghen cũng như tất cả những gì ông đã cống hiến cho khoa học, cho cuộc đấu tranh của công nhân lao động, cho giai cấp vô sản về lương tri và phẩm giá con người, vì sự bình đẳng, tiến bộ xã hội mãi mãi trường tồn. Tên tuổi của  Ph.Ăng-ghen luôn sống mãi trong trái tim và khối óc của nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Tuấn Anh

.