Kỷ niệm 51 năm đường mòn Hồ Chí Minh 19/5/1959 - 19/5/2010
Cây “đại thụ" Đoàn 559

09:05, 19/05/2010
.
Ghi chép của Trần Đăng

(QNĐT) - Ông Nguyễn Thạnh, tức Nguyễn Khoách, một trong những thủ lĩnh của Du kích Ba Tơ quê xã Tịnh Thọ huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Đời binh nghiệp của ông gắn liền với con đường huyền thoại mang tên Bác Hồ. Ông là một trong hai người (cùng với Thiếu tướng Võ Bẩm, quê Tịnh Khê, Sơn Tịnh) được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn vào ngày 19/5/1959.

Ông Nguyễn Thạnh kể chuyện đường Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Thạnh kể chuyện đường Hồ Chí Minh
Cụ Thạnh mất cách ít lâu, khi chuẩn bị vào tuổi “bách niên”. Tôi ghi lại những dòng này khi cụ còn minh mẫn, ở cái tuổi 97 năm 2004.

Chỉ tính cái tuổi 97 không thôi là đủ để ông trở thành “đại thụ” rồi. Nghe lời chúc “đại thượng thọ”, ông cười làm rung những chiếc răng hiếm hoi còn nán lại với ông: “Hồi trẻ, nếm đủ thứ đòn roi của địch trong các nhà tù, chỉ mong sao sống được bảy mươi, giờ chín mươi bảy, lời những hai mươi bảy năm. Sướng rồi!”. Tôi góp chuyện: “Cụ gắng sống thêm 3 năm nữa là đủ bách niên. Lúc ấy, có đi gặp tổ tiên thì cũng toại nguyện”.

Hình như với ông, quỹ thời gian mà tạo hóa đã dành cho mình như thế là quá đủ: “Giờ trò chuyện với anh đây, chút nữa đi chầu ông bà ông vãi thì cũng tốt thôi. Tôi đâu dám nghĩ là mình sẽ được chứng kiến lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, cũng không nghĩ là mình sống đến lúc con đường Trường Sơn mang tên Bác Hồ ấy sắp tròn 45 năm”.

Rồi ông hỏi tôi : “Anh có biết con đường ấy chính thức được thành lập năm nào không?”. Tôi nước đôi với ông: “Hình như đâu năm 1959, đúng không cụ?”. “Đúng mà chưa đủ. Ngày 19/5, đúng ngày sinh Bác Hồ!”.

Nghe cụ nhắc đến con đường huyền thoại ấy, tôi nhẹ cả người. Tôi chỉ chờ có thế thôi. Gần trăm mùa lá rụng rồi, gợi lại chuyện cũ cách đây gần nửa thế kỷ mà nhớ rành rẽ, mạch lạc như cụ Thạnh  là hy hữu lắm.

* Ký  ức

Hình như đã lâu lắm rồi, hai tiếng “Trường Sơn” đã bị khuất lấp trong ông. Vì vậy, khi nghe tôi nhắc lại hai tiếng ấy, ông như bừng thức với những chuỗi ký ức đứt nối của người già. Qua ông, mỗi một chớp sáng của ký ức về Trường Sơn là một bài ca về lòng quả cảm và sự hy sinh vô bờ của những người lính đã từng đặt chân lên con đường đó, đã từng gửi cả tuổi thanh xuân của mình ở đó.

VượtTrườnng Sơn. Ảnh TL
Vượt Trườnng Sơn. Ảnh TL
Ông mở đầu câu chuyện về Trường Sơn ngày ấy không phải bằng cột mốc về thời gian mà bằng một câu hỏi: “Anh đã đi trên con đường ấy chưa?”. Tôi thật thà: “Dạ, cháu có đi một lần qua con đường ấy, nhưng bằng xe ô tô và đường đã được thảm nhựa!”. Ông lại nhấc cặp kính dễ có đến cả chục độ đang trễ xuống khỏi đôi mắt, rồi cười : “Anh viết bài thế nào về chuyến đi ấy?”. Tôi thật sự bối rối trước những câu hỏi đầy vẻ “nghiệp vụ” này nên đành khai thật: “Dạ ngợi ca hết lời ạ”. “Ừ, đi ô tô trên đường nhựa, ngợi ca hết lời, đúng là…”. Ông bỏ lửng câu nói mà tôi đoan chắc mấy cái từ không nói ra kia sẽ là… “báo đời!”.

Ông gọi với xuống bếp: “Bà đâu rồi? Lấy cái ảnh Trường Sơn ra đây!”. Dứt tiếng, đã thấy cụ bà mang ra một bọc nhựa. Tôi liếc nhìn trong chiếc bọc ấy và thấy đủ các thứ giấy tờ và kỷ vật. Ông lần một đỗi và chìa ra trước mặt tôi một tấm ảnh, nhỏ bằng ngón tay cái : “ Trường Sơn là đây! Để có một đại lộ được thảm nhựa như hôm nay, hàng triệu người đã phải đi qua những lối mòn như thế đó, hàng vạn người cũng đã “thảm máu” trên đó”.

Tôi thật sự sốt ruột với các bài học giáo dục về Truờng Sơn của ông, nên giục: “Cụ kể chuyện ngày đầu tiên mở đường đi ạ!”. Ông lại nhấc chiếc kính lên: Ừ, thì kể. Nói ngày 19/5 mở đường Trường Sơn là một cách nói chứ kỳ thực là con đường ấy đã từng in dấu chân của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ Khu V trong kháng chiến chống Pháp khi vượt Trường Sơn ra Việt Bắc. Nhưng lần đánh nhau với thằng Mỹ này, đường Trường Sơn mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Sau Nghị quyết 15 của Đảng, từ một nông trường quân đội ở Ninh Bình, tôi được điều về và nhận nhiệm vụ làm Đoàn phó cùng với anh Võ Bẩm, quê Sơn Mỹ, làm Đoàn trưởng Đoàn 559, mở đường Trường Sơn. Nghị quyết 15 xác định là phải dùng vũ lực để giải phóng miền Nam chứ không chỉ đơn thuần là “chánh trị” nữa. Mà đã nói đến vũ lực thì không thể dùng ba cây giáo mác với trống mõ để đánh với súng tiểu liên cực nhanh và đại bác của thằng Mỹ được. Mở đường Trường Sơn là nhằm đưa người và vũ khí từ ngoài Bắc vào. Tôi nói “ý nghĩa lớn lao” là vậy. Nhưng hồi đó mà nói đến việc chuyển vũ khí vào miền Nam, nhiều người “lắc đầu” lắm, kể cả các anh “cả Đỏ” của chúng ta! Vậy nên mới có chuyện “đi không dấu, nấu không thấy”. Thằng địch mà phát hiện “Bắc Việt” đưa vũ khí vào Nam là nó lu loa lên rằng ta vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ!”.

* Nơi cửa ngõ Trường Sơn

Tôi hỏi: “Có phải Cự Nẫm là nơi bắt đầu của con đường huyền thoại mà bất cứ một người lính nào cũng phải “qua đêm” trước khi vượt Trường Sơn?”. Ông lắc đầu: “Sau này (tức sau năm 1967 khi ông đã về hưu) thế nào thì tôi không rõ, nhưng thời tôi còn ở Trường Sơn thì nơi bắt đầu của con đường lịch sử ấy chính là Khe Hó-một địa danh ở phía tây nam Vĩnh Linh, dưới chân dãy Động Nóc. Khe Hó nằm sát vĩ tuyến 17 nên kẻ địch không nghĩ rằng “Bắc Việt” dám chọn đây làm nơi xuất phát của đường Hồ Chí Minh ngay sát mũi của chúng.

Sau hội nghị tại Hồ Xá vào tháng 6/1959 để chọn lựa các phương án “mở nút” tuyến đường, một cuộc chuẩn bị khá chu đáo và âm thầm để đưa người và vũ khí vượt Trường Sơn. Và Khe Hó đã là điểm hẹn của hàng trăm tấn vũ khí, lương thảo trong những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Từ Khe Hó, một lần nữa, các loại vũ khí lại được những đôi “vai sắt chân đồng” gùi trên lưng băng qua hàng trăm đồn bót của địch nơi đường 9, vượt qua hàng chục đèo cao suối sâu để vào Nam. Những cái tên gợi nhớ một thời gian khó như đỉnh núi 1001, động Voi Mẹp, sông Ra Gã, sông Nước Chảy, dốc Bốn Thang… chắc hẳn vẫn còn vang lên trong tâm tưởng bao người lính Trường Sơn thuở ấy. Trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cái cảm giác đê mê khi chuyến hàng đầu tiên sau 8 ngày vượt đèo lội suối đã đến được Tà Riệp an toàn”.

Tôi cắt ngang dòng hồi tưởng của ông : “Cụ còn nhớ chuyến hàng ấy là những gì không ạ?”. “Tôi nói anh chẳng tin đâu. Toàn bộ số súng và đạn mà chúng ta phải cõng gùi trong 8 ngày đêm ấy chỉ đủ trang bị cho một trung đội tăng cường (40 khẩu súng) và bắn được…vài giờ là hết đạn (10 thùng đạn)! Ấy thế mà ai cũng mừng rơi nước mắt, vì nó khẳng định một điều rằng: Chúng ta hoàn toàn có thể chuyển vũ khí vào miền Nam bằng con đường huyền thoại này. Mà đã chuyển được vũ khí vào miền Nam thì mới tính đến chuyện thắng-thua với thằng Mỹ!”.

* Kho tư liệu sống

Thấy ông quá “hăng” với chuyện Trường Sơn, cụ bà nhắc khéo: “Thôi ông ơi, ông cứ nói chuyện cổ tích ấy hoài thôi. Giữ sức khoẻ để còn xem lễ kỷ niệm 45 năm đường Hồ Chí Minh trên tivi như hôm xem Điện Biên ấy!”. Rồi bà xoay sang phía tôi : “Ông ấy nói cả ngày cũng không hết chuyện. Nếu anh hỏi chuyện về khởi nghĩa Ba Tơ, ổng không quên một chi tiết nào!”.

Sợ mình nghe nhầm, tôi hỏi lại bà cụ: “Thế, ông cũng là du kích Ba Tơ hả cụ?”. Không trả lời câu hỏi của tôi, cụ bà chỉ tay lên bức ảnh trên tường : “Ổng là người đứng gần ngoài cùng bên trái ấy. Hồi đó ổng đi tù, cứ nghĩ mãn hạn tù là về làm ruộng, ai dè thời cuộc đổi thay, sau khởi nghĩa Ba Tơ năm 1945, ổng đi một lèo đến mấy chục năm luôn. Hăng hái đến mức ngoài năm mươi rồi, trên điều đi Trường Sơn, ổng cũng đâu có từ nan. Mà bí mật ghê lắm chứ không phải kể có lớp có lang như nãy giờ đâu. Cứ vài tháng, ông ấy lại nói với tôi là đi công tác, rồi dăm bảy tháng lại về, rồi lại đi. Sau này mới biết là ông đi Trường Sơn!”.

Hóa ra không chỉ có ông mới “hăng” kể chuyện “ngày xưa” mà cụ bà 92 tuổi này cũng chẳng kém ông trong việc kể chuyện “cổ tích” chống Pháp và Mỹ. Điều bất ngờ với tôi là cả hai ông bà dù tuổi rất cao nhưng còn quá minh mẫn. Họ là một kho tư liệu sống thật quý hiếm cho những ai muốn nghe chuyện “cổ tích” như tôi.

.