“Đất lửa” Vạn Tường nở hoa

04:08, 19/08/2009
.
 
(QNĐT)- Từ mảnh đất nghèo đầy thương tích do bom đạn, Vạn Tường hôm nay đã hồi sinh và trở thành một vùng đất tràn trề sức sống. Một khu đô thị hiện đại đang dần hiện lên trên “đất lửa” một thời.
Một góc Khu đô thị Vạn Tường hôm nay
Một góc Khu đô thị Vạn Tường hôm nay

Chiến thắng của chiến tranh nhân dân

Đã 45 năm trôi qua, thế nhưng âm vang chiến thắng chói lọi trong trận Vạn Tường của quân và dân ta vẫn còn vang mãi. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Dậu-người trực tiếp tham gia trận Vạn Tường tự hào khi kể với chúng tôi về trận đầu đánh thắng giặc Mỹ vang dội của quân và dân trên đất Vạn Tường 18/8/1965.

Sau khi phát hiện một đơn vị chủ lực của ta, quân đội Mỹ đã chủ động vạch ra kế hoạch mở cuộc hành quân “Ánh sáng sao”. Thực chất là cuộc tập kích tiến công “tìm diệt” quy mô lớn của quân viễn chinh Mỹ. Trong cuộc hành quân này chúng đã sử dụng cả hải quân, không quân và lính thuỷ đánh bộ đổ bộ đường biển, đường không kết hợp tiến công đường bộ.

Mỹ đã dùng đến 8.000 quân của Sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ, 100 máy bay lên thẳng, 70 máy bay phản lực, 6 tàu đổ bộ và 5 pháo hạm, 44 khẩu trọng pháo cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép...

Với chiến thuật tập kích tiến công dùng hoả lực của không quân, pháo hạm, pháo căn cứ… bắn mãnh liệt hòng quét sạch quân ta, sau đó lính thuỷ đánh bộ có xe tăng, xe bọc thép đi cùng tiến đánh chiếm trận địa đối phương, tiêu diệt chủ lực đối phương mà đối tượng cụ thể là Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu 5.

5 giờ sáng ngày 18/8/1965 cuộc hành quân “Ánh sáng sao” bắt đầu. Tưởng rằng với lực lượng và hoả lực mạnh sẽ tiêu diệt được quân ta. Thế nhưng chúng đã lầm, khi đặt chân lên Vạn Tường, quân Mỹ như bước vào “thiên la địa võng” của cuộc chiến tranh nhân dân. Chúng bị mai phục khắp nơi.  Chỉ sau một ngày chiến đấu 18/8/1965, hơn 900 lính Mỹ đã bỏ mạng trên đất lửa Vạn Tường, 13 máy bay, 22 xe tăng và xe bọc thép bị bắn cháy.

Cuộc hành quân "Ánh sáng sao" với đầy mưu toan của quân thuỷ đánh bộ Mỹ bị chặn đứng. Trận mở đầu chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ trên chiến trường Khu V đã bị thất bại tại khu vực Vạn Tường.

Vạn Tường hôm nay

Vạn Tường hôm nay đã “thay da đổi thịt” rất nhiều. Về Vạn Tường hôm nay, ta không còn nhận ra đây là một mảnh đất đã chịu nhiều vết thương do chiến tranh mà nó mang dáng dấp của một khu đô thị lớn, hiện đại với những con đường thẳng tắp, những ngôi nhà cao tầng khang trang. Đời sống của người dân cũng  từng bước được nâng lên rất nhiều.
Bệnh viện Dung Quất với trang thiết  bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng
Bệnh viện Dung Quất với trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng
 
Khu biệt thự Thiên Tân dành cho cán bộ chuyên gia làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất
Khu biệt thự Thiên Tân dành cho cán bộ chuyên gia làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất
Chủ tịch UBND xã Bình Hải- Nguyễn Văn Thiện phấn khởi nói: Vùng đất Bình Hải những năm trước đây khô cằn sỏi đá. Mùa khô thì nước không đủ để sinh hoạt bởi vậy không có cây trồng nào phát triển nổi. Vì vậy, vào mùa khô hạn hàng trăm lao động trong xã phải khăn gói vào miền Nam tìm việc.

Nhưng rồi những năm gần đây, khi Khu kinh tế Dung Quất được hình thành, hàng trăm nhà máy xí nghiệp ra đời đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm con em trong xã. 
 
Toàn xã Bình Hải có 2.100 hộ với trên 13.000 nhân khẩu, trong đó có trên 60% hộ dân làm nghề biển.
 

Ngày 17/2/2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, điều chỉnh và thiết kế khu đô thị Vạn Tường. Theo đó, khu đô thị Vạn Tường có diện tích 3.828 ha, thuộc các xã Bình Hải, Bình Phú, Bình Phước và Bình Trị (huyện Bình Sơn).Vạn Tường là khu đô thị kết hợp với khu sinh thái bảo tồn thiên nhiên, là một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nói là xã biển, nhưng Bình Hải là xã có bãi ngang nên ngành đánh bắt thuỷ sản của xã không phát triển so với các địa phương khác. Song, những năm qua đời sống kinh tế của người dân đã tăng lên nhờ những chính sách của nhà nước trong việc cho vay vốn phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là đầu tư đóng mới tàu thuyền.

Trong sản xuất nông nghiệp, người dân Bình Hải cũng đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, thay vì làm lúa ngô có giá trị kinh tế thấp, nay người dân trong xã đã tập trung vào sản xuất chuyên canh các loại cây như: Tỏi, hành, nén, dưa hồng, rau xanh...

Loại hình dịch vụ cũng phát triển một cách đáng mừng. Nhờ vậy, thu nhập của người dân đã tăng lên đáng kể. Anh Nguyễn Văn Thiện khoe: Nếu như năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của xã là 4,5 triệu đồng/người/năm, thì năm 2008 tăng lên 8,6 triệu đồng. Dự kiến năm 2009, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên trên 10 triệu đồng/người/năm.

Đất lửa Vạn Tường hôm nay đã hồi sinh, đời sống của nhân dân đã từng bước được cải thiện, cái đói, cái nghèo đã bị đẩy lùi. Một thành phố mới "thành phố Vạn Tường” đang nên dáng nên hình trên mảnh đất đầy bom đạn một thời.
Tàu thuyền của ngư dân Bình Hải
Tàu thuyền của ngư dân Bình Hải

  Bài, ảnh: M.Toàn


 

 


.