Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy điện

05:04, 02/04/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 2.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì buổi làm việc để nghe và cho ý kiến đối với các vướng mắc liên quan đến các dự án thủy điện đang thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh.
[links()]
 
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
 
Theo báo cáo của Sở Công Thương tại buổi làm việc, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ Công Thương phê duyệt gồm 33 dự án, với tổng công suất thiết kế 658,7MW. Đến thời điểm này, đã có 10 dự án thủy điện hoàn thành đưa vào vận hành với công suất 298,5MW và dự án thủy điện Kà Tinh hoàn thành Nhà máy 1 với công suất 7 MV; 9 dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng; 9 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư và đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư; 5 dự án đã được bổ sung quy hoạch, đang lập hồ sơ cấp quyết định chủ trương đầu tư. 
 
Đối với các dự án thủy điện đang chuẩn bị thủ tục và đang triển khai đầu tư xây dựng thì hầu hết đều thực hiện chậm so với tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư. Ngoài những nguyên nhân khách quan, việc thực hiện dự án chậm tiến độ còn do một số chủ đầu tư thiếu tích cực và không tập trung nguồn lực triển khai thực hiện dự án.
 
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các nhà đầu tư đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị đang gặp liên quan đến các thủ tục pháp lý, đền bù giải phóng mặt bằng... Đồng thời, đưa ra những kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh, các sở, ban ngành trong tỉnh sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn để các dự án sớm đi vào hoạt động và hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại buổi làm việc
 
Theo kiến nghị của các nhà đầu tư, khó khăn, vướng mắc mà nhiều dự án gặp phải là hiện tại chỉ có 6/33 dự án thủy điện có trong danh mục Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Do dự án chưa có trong danh mục Quy hoạch tài nguyên nước nên không thể phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, xin cấp giấy phép hoạt động điện lực. 
 
Đồng thời, việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án thủy điện gặp rất nhiều khó khăn do người dân vùng dự án chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật, xây dựng nhà trái phép… nhằm trục lợi bất chính. 
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đề nghị Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương hiện tốt công tác quản lý, giám sát đối với các dự án thủy điện đã và đang triển khai thực hiện, nhằm đảm bảo chất lượng công trình, giảm thiểu tối đa những tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dự án.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư tích cực triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã đề ra; phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc điều tiết nước, đặc biệt trong mùa hạn hán để cấp nước phục vụ cho việc sản xuất, sinh hoạt; thực hiện tốt việc kiểm định an toàn hồ đập theo đúng quy định và có phương án đảm bảo an toàn phía hạ du sau đập vào mùa mưa lũ. 
 
Đối các dự án thủy điện đã triển khai, vận hành trên 3 năm thì phải tổ chức diễn tập. Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án cần phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ hành lang lòng hồ; hoàn trả lại các công trình bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện, đặc biệt là các công trình giao thông theo đúng cam kết với chính quyền địa phương,…
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cũng yêu cầu UBND các huyện hỗ trợ cho nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Tổ chức thông báo đến người dân khi có dự án đầu tư trên địa bàn; kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật những trường hợp cố tình vi phạm, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án,...
N.ĐỨC

.