Trồng rừng theo đa dạng sinh học

05:02, 15/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những tác nhân phá rừng không chỉ là lâm tặc, mà còn là thủy điện, là các công trình xây dựng lấy đất rừng làm đất nền, là sự thiếu ý thức bảo vệ, góp phần gây nên những trận cháy rừng thảm khốc... Tóm lại, bắt đầu từ sự thiếu vắng tình yêu rừng, tình yêu thiên nhiên, tình yêu đối với cuộc sống của nhân dân vốn gắn với cuộc sống của rừng, và của nhân dân chịu sự tác động xấu khi rừng bị tàn phá, bị tổn thương. Thiếu tình thương yêu dẫn tới thiếu trách nhiệm. Và để cho lòng tham mặc sức hoành hành.
[links()]
Phá bao giờ cũng dễ hơn xây. Nhưng để chống lại sự tàn phá, lại phải bắt đầu bằng ý thức xây dựng, bằng hành động xây dựng. Trồng lại rừng chính là xây dựng lại cuộc sống không chỉ cho rừng mà còn cho con người. 
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trước thực trạng thiên tai “phi truyền thống” gây thiệt hại lớn lao cho miền Trung vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động toàn dân Việt Nam trồng mới 1 tỷ cây xanh, trong đó trồng lại rừng bị tàn phá, trồng rừng trên những vùng đất bị suy thoái và trồng cây xanh ở bất cứ nơi đâu có thể, đó không chỉ là khẩu hiệu, mà phải là hành động thực tế và hiệu quả.
 
Cây xanh và nguồn nước sạch chính là biểu tượng của thế kỷ XXI. Sau 20 năm đầu của thế kỷ XXI, Liên Hiệp quốc mới bắt đầu kêu gọi một Thập niên (từ 2021 - 2030) phục hồi hệ sinh thái, trong đó phục hồi rừng, phục hồi sự sống cho cây xanh chính là mục tiêu cao nhất.
 
Phải nói thẳng, không có cây xanh thì không còn sự sống. Bê tông hay sắt thép không phải là sự sống, những khu nhà cao tầng không phải là sự sống, nếu ở đó thiếu cây xanh. Và những khu rừng bị tàn phá, bị cướp đi cây xanh tự nhiên, dù là cây trăm tuổi hay nghìn tuổi, là hiểm họa gây nên mọi tai ương cho con người, dù sống gần rừng hay xa rừng.
 
Nhưng nếu bây giờ chúng ta chủ trương trồng rừng theo kiểu trồng cây độc canh hay trồng chỉ vài loại cây, thì sẽ phá vỡ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên Việt Nam. Với Việt Nam, nên nghiên cứu kỹ cấu trúc của rừng tự nhiên thường mọc những loại cây gì, kể cả các loại dây leo, từ đó chúng ta trồng rừng theo cấu trúc cây rừng tự nhiên, gồm nhiều loài cây, nhiều tầng cây, kể cả cây tầng thấp và dây leo, thì sau nhiều năm, chúng ta mới có những khu rừng tự nhiên bảo đảm đa dạng sinh học, tránh “vết xe đổ” do trồng rừng đơn canh hay độc canh của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil...
 
Một tiến sĩ sinh thái học thuộc một đại học Anh nhận xét: "Tôi nghĩ động cơ trồng rừng (của các nước này) không phải là đa dạng sinh học. Ở Trung Quốc, mục đích là kiểm soát xói mòn đất, còn ở Brazil là bảo vệ nguồn nước và hấp thụ carbon". Những mục đích ấy đều tốt, đều cần thiết, nhưng chưa đủ. Khi những đô thị dù lớn dù nhỏ không biết tôn trọng sự sống của cây xanh đô thị, thì những đô thị ấy không biết tôn trọng sự sống của chính mình. Lòng tham của con người dù ít có giới hạn, nhưng khát vọng được sống của nhân loại là vô hạn.
 
Tết trồng cây năm nay, hưởng ứng chương trình khôi phục hệ sinh thái thế giới của Liên Hiệp quốc và lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của chính phủ Việt Nam, tôi nghĩ, chúng ta nên bắt đầu trồng rừng theo quy hoạch và theo đúng cấu trúc đa dạng sinh học của rừng tự nhiên nhiệt đới và cận nhiệt đới, mà Việt Nam chúng ta đang ở trong vùng khí hậu đó.
 
Trồng rừng theo cấu trúc đa dạng sinh học, thì nhiều khi mục đích kinh tế trực tiếp là lấy gỗ không nên đặt lên hàng đầu, mà trồng rừng để bảo vệ hệ sinh thái mới là mục đích tối thượng./.
 
Thanh Thảo
 
 
 

.