Trồng cây ba tầng, thu nhập tăng gấp đôi

10:12, 06/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Câu chuyện gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, ở khu vực dốc Mường Hồng, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) nhờ trồng ba tầng cây trên cùng một diện tích đã có thu nhập cao gấp đôi, trị giá gần 800 triệu đồng/1ha đất sản xuất. Điều này khiến tôi nhớ ngay một câu chuyện cách đây ngót 30 năm ở Quảng Ngãi.
 
Ngày đó, sau khi tách tỉnh chưa lâu, do mong muốn người nông dân Quảng Ngãi có thể tìm được thu nhập cao hơn trên chính đất vườn của mình, nhà cách mạng Trần Kiên đã bỏ công tìm hiểu kinh nghiệm trồng cây trong vườn ở nhiều địa phương trong nước và ông tổng kết được một mô hình trồng cây trong vườn có thể cho thu nhập cao. Đó là mô hình “Ba tầng sinh thái”. 
Một góc khu vườn trồng cây xen canh mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Internet
Một góc khu vườn trồng cây xen canh mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Internet
Ông Trần Kiên đã từng là Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, nên ông nhìn rất kỹ cấu trúc của rừng nguyên sinh thời ấy đang còn rất nhiều trên đất nước ta. Rừng nguyên sinh dung chứa nhiều loại cây, dây leo, nhưng về cơ bản có ba tầng cây: tầng cây cao nhất, tầng cây trung bình, và tầng cây mọc thấp. Ba tầng cây ấy dung dưỡng nhau, nương tựa nhau để cùng sống và phát triển. Nếu trong vườn nhà mỗi gia đình trồng được ba tầng cây như thế, đều là cây ăn quả, cây ăn quả tầng cao che mát, cây ăn quả tầng trung phát huy năng lực cho sai quả, cây tầng thấp lại giữ nước và tìm được chỗ đứng của mình giữa “ba tầng sinh thái”. Còn có thể trồng các loại rau mọc sát đất không cần nhiều ánh nắng như rau diếp cá và một số loại rau khác, bán được ra thị trường. 
 
Chương trình vườn “ba tầng sinh thái” của ông Trần Kiên là một mô hình sinh học rất khoa học, nhất là nếu thực hiện trên những vùng đất bán sơn địa, đất có độ dốc vừa phải. Như đất ở Sơn La mà gia đình chị Huyền đã trồng ba tầng cây và thành công. Do Sơn La có đất đỏ, nên ở tầng thấp, chị Huyền trồng cây cà phê, tầng giữa trồng nhãn, tầng cao nhất trồng xoài ghép. Với đất Quảng Ngãi, thì trồng cây cà phê không thích hợp, nhưng nếu thay bằng cây ăn quả khác như bưởi da xanh chẳng hạn, thì rất tốt. Với cây xoài ở tầng cao nhất, thì nên trồng xoài ghép, xoài giòn như chị Huyền ở Sơn La đã trồng, còn ở tầng giữa, vẫn có nhiều loại cây là “ứng viên” ở tầng này, chứ không chỉ cây nhãn.
 
Chủ trương trồng cây ăn quả ba tầng trong vườn của ông Trần Kiên là một chủ trương rất đúng. Tiếc rằng, thời điểm ấy ít người hiểu, càng ít người có thể trồng thí nghiệm để lấy kết quả mà “nhân rộng điển hình”, nên câu chuyện nông nghiệp vườn của ông Trần Kiên chưa phát huy được tác dụng tại nông thôn Quảng Ngãi.
 
Bây giờ thì Sơn La đã là một tỉnh miền núi trồng cây ăn quả thành công nhất cả nước, lượng trái cây xuất khẩu hằng năm của tỉnh này rất lớn và thị trường quốc tế ngày càng mở rộng. Câu chuyện “ba tầng sinh thái” của ông Trần Kiên chưa thành công ở Quảng Ngãi, nhưng đã thành công tận... Sơn La. Đó là điều mà nông dân Quảng Ngãi cần suy nghĩ.
 
 Bây giờ, nếu mình thực hiện mô hình “ba tầng sinh thái” này tại các vườn cây Quảng Ngãi, vẫn chưa hề muộn. Nhất là ở những vùng đất bán sơn địa còn nhiều diện tích đất như ở Ba Tơ hay Nghĩa Hành, kể cả ở miền tây Mộ Đức... Nếu Sở NN&PTNT Quảng Ngãi chủ động vào cuộc giúp nông dân thì rất tốt, còn nếu không, người dân nên tự tìm hiểu và thử áp dụng xem sao. Bây giờ trên Internet không thiếu những kiến thức loại này.
 
Thanh Thảo
 

.