Năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới

09:12, 27/12/2020
.
Chiều 27-12, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020.
 
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.
 
Cụ thể, quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%.

 

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.
 
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng của một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu và sản lượng tôm năm 2020 tăng khá nên tốc độ tăng của khu vực này đạt cao hơn năm 2019; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,55%, chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, 2012 và 2018 trong giai đoạn 2011-2020; ngành lâm nghiệp tăng 2,82%, nhưng chiếm tỷ trọng thấp; ngành thủy sản tăng 3,08%, cao hơn mức tăng 2,8% của các năm 2015, 2016 trong giai đoạn 2011-2020...
 
Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng; giảm 2,3% về số doanh nghiệp nhưng tăng 29,2% về vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3.341,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5.577,6 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm trước.
 
Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
 
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019.
 
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2% (tỷ trọng tăng 2,1 điểm phần trăm so với năm trước). Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).
 
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến khu vực dịch vụ trong năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất trong các năm  giai đoạn 2011-2020. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của năm 2020 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,53% so với năm trước; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,87%; ngành vận tải, kho bãi giảm 1,88%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 14,68%.
 
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4% do trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao...       
 
Theo Hà Nội mới
 

.