Rừng giữ đất quê hương

09:11, 18/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tôi rất xúc động khi nghe đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT trong phiên chất vấn ở Quốc hội vừa rồi. Đại biểu này đặt câu hỏi: “Tôi hỏi bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục xây dựng thuỷ điện nhỏ nữa hay không?".
 
Thời tuổi trẻ của mình, tôi đã có nhiều năm gắn bó với rừng, từ rừng Việt Bắc khi tôi học đại học sơ tán, tới rừng Trường Sơn khi tôi vào chiến trường Nam Bộ, rồi rừng Lào, “rừng đồng bằng” Campuchia, rừng Tây Ninh tôi từng ở. Mỗi vùng rừng ấy đều có những điểm đặc biệt khác nhau, nhưng đều là rừng già, rừng nguyên sinh, rừng với nhiều tầng cây và dây leo, thảm thực vật chằng chịt. Ngày đó, chất độc hóa học và bom napalm của Mỹ đã thả xuống nhiều khu rừng già, nhưng không thể hủy diệt được những khu rừng vĩ đại ấy.

 

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi rất xúc động khi nghe đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT trong phiên chất vấn ở Quốc hội vừa rồi. Đại biểu này đặt câu hỏi: “Tôi hỏi bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục xây dựng thuỷ điện nhỏ nữa hay không?
 
Thủy điện, dù là lớn hay nhỏ, đều sản xuất điện, đều mang lại năng lượng điện cho quốc gia, nhưng cái giá “đổi rừng nguyên sinh lấy thủy điện nhỏ” lại là cái giá quá đắt, không chỉ cho hôm nay, cho ngày mai, mà còn cho muôn đời sau nữa. Những người có trách nhiệm rất ngại trả lời thẳng, mỗi thủy điện nhỏ được xây dựng là phải đổi bao nhiêu hecta rừng nguyên sinh, rừng gỗ tốt, rừng gỗ quý mà trong điều kiện hiện nay, ta không thể nào gây dựng lại được. 
 
Nếu sạt lở núi, sạt lở đất là do nhiều nguyên nhân, thì phải thấy, nguyên nhân chính là những ngọn núi đã bị “cạo trọc” và những khu rừng nguyên sinh đã biến mất sau những dự án thủy điện nhỏ và vừa. Tôi đã có tư liệu tin cậy được về cái giá của rừng nguyên sinh đổi cho mỗi thủy điện ấy, nhưng chưa tiện công bố ở đây. Đó là cái giá mà ngay bây giờ nhân dân chúng ta ở những vùng mất rừng phải trả và con cháu họ tiếp tục phải trả trong vài chục năm nữa.
 
Bây giờ, người ta tính rừng nguyên sinh chỉ còn 15%, dù độ che phủ của “rừng” đã lên tới 43%. Nhưng rừng trồng không thể tính là rừng nguyên sinh, còn độ che phủ không nói lên khả năng “giữ đất quê hương” và “giữ nước quê hương” của rừng trồng.
 
Tôi chợt nhớ, ngày chiến tranh ở chiến trường Nam Bộ, có lần tôi đi công tác và một đêm phải mắc võng ngủ giữa rừng cao su. Rừng cao su, cây thẳng tắp, những hàng cây ngay ngắn thật đẹp, nhưng suốt đêm ấy tôi cứ trằn trọc khó ngủ, cảm thấy không thoải mái. Người ta nói với tôi, ngủ trong rừng cao su rất độc, nhưng tôi không hiểu “độc” ở chỗ nào. Chính đại biểu Quốc hội Ksor H'Bơ Khăp đã mở trí cho tôi, khi chị nói: “Rừng cao su không thể gọi là rừng, giống như rừng nguyên sinh được. Vì cây cao su hút dưỡng khí (O2) và nhả thán khí (CO2), nó khác hoàn toàn với cây rừng nguyên sinh, hút thán khí và nhả dưỡng khí”.
 
Trả lời trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố sáng kiến Việt Nam sẽ trồng 5 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Tôi chỉ mong, trong danh mục những cây xanh được trồng ấy, không có cây keo và cây cao su. Cây cao su không giữ được đất, không giữ được nước và cây keo cũng vậy. Chưa kể, cây keo còn làm cạn kiệt mọi nguồn nước ngầm bên dưới vùng đất nó sống. 
 
Thanh Thảo
 

.