Phát triển, nhưng chưa như kỳ vọng

05:10, 22/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, có không ít người nhìn nhận, trong những năm qua, kinh tế Quảng Ngãi vẫn chậm phát triển so với một số tỉnh, thành có xuất phát điểm như nhau trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Nhận định đó không phải không có cơ sở, nhưng chưa toàn diện, chưa đặt trong bối cảnh nền kinh tế cả nước chịu tác động bởi dịch Covid-19 và suy giảm của nền kinh tế thế giới trong năm 2020.
 
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế của tỉnh. Điều này thể hiện ở chỗ, trong khi nhiều địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhưng Quảng Ngãi đã huy động được tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (2016 - 2020) lên đến 143.588 tỷ đồng (chỉ tiêu nghị quyết chỉ trên 90.000 tỷ đồng). Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi cân đối ngân sách nhà nước hằng năm đều tăng, từ 18,73% (năm 2015) lên 24,37% (năm 2020). Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp lọc, hóa dầu. Cụ thể là, nếu năm 2015, tỷ trọng giá trị sản xuất sản phẩm lọc, hóa dầu trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh là 83%, thì đến năm 2020 chỉ còn 58,9%...
 
Đặc biệt là, lĩnh vực xuất khẩu của Quảng Ngãi được coi là thế yếu so với một số tỉnh, thành trong khu vực, nhưng đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt 1.150 triệu USD (chỉ tiêu nghị quyết 1.000 triệu USD). Sản phẩm xuất khẩu cũng đa dạng hơn, nếu trước đây chỉ có sản phẩm tinh bột mì, dăm gỗ... thì nay còn có thêm sản phẩm công nghiệp nặng, thiết bị cơ khí, linh kiện điện tử, hàng may mặc và có cả mặt hàng nông sản... Từ những con số trên cho thấy, công tác điều hành của tỉnh đã có sự linh hoạt, nhạy bén với thị trường hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
 
Theo kế hoạch năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng trưởng khoảng 7,5 - 8,5%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu giảm sâu... nên dự kiến năm 2020 tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,4% so với năm 2019, dẫn đến tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 4,83% (chỉ tiêu nghị quyết là 6 - 7% năm). Đây là những tác động khách quan, nằm ngoài dự báo của kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020, bắt buộc chúng ta phải chấp nhận. Biết rằng, kết quả của sự phát triển trên là chưa đạt như kỳ vọng, nhưng nhìn một cách toàn diện, khách quan thì kinh tế Quảng Ngãi vẫn tiếp tục có nhiều gam màu sáng và có nhiều triển vọng trong những năm đến.
 
Kết quả đó cũng để lại cho Quảng Ngãi rất nhiều bài học quý báu trong công tác lãnh đạo và điều hành kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là, công tác dự báo, hoạch định chính sách phát triển kinh tế vĩ mô phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, nhưng phải thật sự khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và phải đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế trong nước và thế giới. Đồng thời, cần linh hoạt, nhạy bén hơn đối với công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến, vì bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, thì chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
 
Đức Nguyễn
 
 

.